Theo số liệu ước tính từ Ngân hàng Standard Chartered, tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc tăng lên 251% từ 147% cuối năm 2008.
Gánh nặng nợ của Trung Quốc hiện cao hơn rất nhiều so với mức chuẩn của khối thị trường mới nổi, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Chen Long tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc vẫn thấp hơn một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và Nhật Bản với tỷ lệ tổng nợ/GDP lần lượt là khoảng 260%, 277% và 415% tính đến cuối năm 2013, theo tính toán của Standard Chartered.
Điểm đáng chú ý là nợ Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ rất nhanh so với GDP kể từ năm 2009 đến nay, trong khi kinh tế lại tăng trưởng chậm hơn.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từ lâu đã cảnh báo rằng, kinh tế tăng trưởng chậm chạp cùng với sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nợ đã gây ra nhiều bất ổn, dẫn đến phân bổ nguồn vốn không hợp lý.
Hậu quả là, hàng triệu ngôi nhà, căn hộ mọc lên như nấm ở Trung Quốc mà tịnh không một bóng người; hoạt động sản xuất, từ pin mặt trời cho tới sắt thép và xi măng, phát triển quá mạnh dẫn đến dư thừa.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã hồi phục trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhưng chính phủ vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc giảm phục thuộc của kinh tế vào tín dụng.
Tuy nhiên, không hề có dấu hiệu nào cho thấy nỗ lực của chính phủ đã thành công khi tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc tăng 17 điểm % chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014. Trong khi đó, xét cả năm 2013, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc chỉ tăng khoảng 20 điểm %.
Nguyên nhân là thay vì hạn chế tín dụng, chính phủ Trung Quốc lại đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng trước lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế, dẫn tới thị trường bất động sản suy yếu trầm trọng và nguy cơ nền kinh tế sẽ phải chịu một "cú hạ cánh cứng".
Tổng lượng tín dụng mới của Trung Quốc đạt 1,96 nghìn tỷ nhân dân tệ (316 tỷ USD) trong tháng 6, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 3/2014 và gần gấp đôi lượng tín dụng lưu hành trong hệ thống tài chính Trung Quốc trong cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, tín dụng từ lĩnh vực ngân hàng mờ của Trung Quốc tăng bật trở lại.
Những năm gần đây, nợ nước ngoài của Trung Quốc tăng đáng kể nhưng vẫn còn khá nhỏ so với GDP của cả nền kinh tế với tỷ lệ nợ/GDP chưa đạt đến 10%.
Trên thực tế, chính phủ vẫn kiểm soát phần lớn hệ thống tài chính Trung Quốc cũng như sở hữu hầu hết các doanh nghiệp đi vay lớn nhất của nước này. Đây chính là yếu tố giúp hạn chế khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, với tình trạng nợ gia tăng nhanh chóng như hiện nay thì Trung Quốc khó có thể duy trì tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao.