HSBC: Năm 2016, Việc Nam vẫn giữ mức tăng trưởng 6,7%
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô mới được ngân hàng HSBC công bố, các yếu tố tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng khu vực tư nhân là hai nguyên nhân dẫn đến GDP tăng mạnh từ mức 6,0% năm 2014 lên 6,7% trong năm 2015.
GDP sẽ vẫn duy trì tăng trưởng 6,7%
Chỉ số PMI tháng Hai tăng đạt mức 50,3 điểm; đơn hàng xuất khẩu mới tăng cho thấy, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam lại đang thể hiện sự phục hồi mạnh nhất so với các nước khu vực.
Trong tháng Hai, chỉ số Nikkei PMI ngành sản xuất vẫn nằm trên mức không thay đổi, đạt 50,3 điểm với tốc độ tăng chậm hơn so với tháng Giêng. Điều đang khích lệ là đơn hàng xuất khẩu mới vẫn tăng trong khi nhu cầu tuyển dụng vẫn duy trì ổn định.
Năm 2015, ngành sản xuất đã tăng trưởng 10,6% và đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào mức tăng 6,7% của GDP. Các chuyên gia của HSBC dự báo, sản lượng sản xuất sẽ vẫn ổn định trong năm 2016 và dự đoán sẽ tăng 10,7%.
Sau khi đã chậm lại ở mức 7,9% trong năm 2015, các chuyên gia kỳ vọng, xuất khẩu sẽ quay lại mức tăng trưởng hai chữ số khi các dự án đầu tư mới bắt đầu đi vào hoạt động.
Đáng khích lệ là sau khi đạt mức tăng kỷ lục vào năm 2015, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2016; tính đến tháng 2 nguồn vốn đăng ký đã đạt 2,8 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhu cầu trong nước có khả năng duy trì sự ổn định nhờ vào tiêu dùng cá nhân. Điều này có được là nhờ vào mức lãi suất vẫn còn thấp.
Các chuyên gia của HSBC nhận định, GDP sẽ vẫn duy trì tăng trưởng như năm ngoái, tức là đạt mức 6,7% trong năm 2016 và kỳ vọng tăng lên mức 6,8% trong năm 2017.
Áp lực lạm phát gia tăng
Các chuyên gia của HSBC cho rằng, các hoạt động kinh tế phục hồi đang được tác động dần dần đến áp lực lạm phát tăng cao hơn. Chỉ số CPI toàn phần của tháng 2 đã tăng 0,5 điểm phần trăm lên mức 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái; CPI toàn phần tăng từ 0,8% trong tháng Giêng lên mức 1,3% trong tháng Hai so với cùng kỳ. Trong khi giá năng lượng vẫn tiếp tục giảm (nhóm phương tiện vận chuyển giảm 7,2% so với cùng kỳ trong tháng Hai), giá cả lương thực lại tăng nhanh (tăng 2,4% trong tháng Hai so với cùng kỳ trong khi mức trung bình ba tháng trước là 0,9%).
Các chuyên gia cũng chú ý rằng, Việt Nam đã thiết lập lại các yếu tố cấu thành trong rổ chỉ số CPI vào tháng 01/2016 và chỉ số CPI mới gắn liền với tỷ trọng thấp hơn của nhóm thực phẩm trong rổ CPI.
Tuy nhiên, không nghi ngờ nào nữa về giá thực phẩm sẽ vẫn trên đà tăng, phản ánh nhu cầu nội địa mạnh mẽ hơn và những áp lực cho nhà cung cấp do tình trạng El-Nino gây hạn hán ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục đi lên, tăng từ 1,7% tháng Một lên 1,9% trong tháng Hai.
Các chuyên gia của HSBC dự báo, lạm phát toàn phần sẽ tăng từ 0,6% trong quý IV/2015 để trở lại mức 3,3% so với cùng kỳ vào cuối quý II/2016 và tăng mạnh lên mức 5,2% vào cuối năm, đạt mức trần mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia của HSBC hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp thắt chặt trong nửa sau của năm nay. Dự báo lãi suất tăng 50 điểm đầu tiên trong quý III/2016.
Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sẽ áp dụng những chính sách thắt chặt hành chính để làm dịu hoạt động cho vay, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.