Vài dự báo về triển vọng thương mại toàn cầu năm 2016?
Trong quý I/2016, một số tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục đưa những dự báo về đà suy giảm của kinh tế toàn cầu, trong đó có các nền kinh tế lớn. Thực tế này đặt ra thách thức đối với hoạt động thương mại toàn cầu cho cả năm 2016. Trong bối cảnh đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được coi là “điểm tựa” cho thương mại toàn cầu trong thời gian tới.
Nguy cơ suy giảm thương mại toàn cầu
Theo Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 01/2016, nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới năm 2015 chỉ đạt khoảng 2,4%, không cao như dự báo trước đó. Đáng chú ý, 2015 được coi là năm tồi tệ nhất đối với thương mại toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do nguồn cầu yếu từ các thị trường mới nổi, từ đó làm dấy lên những lo ngại gia tăng về sức khỏe của nền kinh tế thế giới trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Theo Cục Phân tích chính sách thế giới Hà Lan, giá trị hàng hóa xuyên biên giới quốc tế năm 2015 đã giảm 13,8% theo giá USD, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2009 mà nguyên nhân chính là do sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác. Một số ý kiến khác lại cho rằng, giá trị của cả xuất khẩu và nhập khẩu tại mọi khu vực trên thế giới giảm vào năm ngoái chủ yếu là do biến động tiền tệ và sự giảm mạnh của giá hàng hóa.
Những khó khăn của thương mại toàn cầu năm 2015 dự báo tiếp tục kéo sang năm 2016. Mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hạ mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu của năm 2016, từ mức 4% (đưa ra hồi tháng 4/2015) xuống 3,9%, tỷ lệ này cũng thấp hơn so với mức tăng 5% trung bình hàng năm trong 20 năm gần đây. Thậm chí, Văn phòng phân tích chính sách kinh tế Hà Lan dự đoán rất có thể nhịp độ tăng trưởng thương mại toàn cầu trong cả năm 2016 chỉ ở mức từ 1% - 2%. Những dự báo này không phải là không có cơ sở khi những tháng đầu tiên của năm 2016, tình hình cũng không mấy khả quan trong bối cảnh không ít cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ “bị mắc kẹt trong tình trạng tốc độ tăng trưởng thấp, lạm phát thấp, cân bằng lãi suất thấp”. Chỉ số Baltic Dry dùng đo lường thương mại toàn cầu với hàng hóa số lượng lớn có thời điểm đã chạm mức thấp nhất trong lịch sử. Theo báo nhận định mới đây của tờ Wall Street Journal, thương mại thu hẹp đang trở thành vấn đề nan giải toàn cầu, cho dù ngân hàng trung ương các nước đang tìm cách giảm giá đồng nội tệ, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu nhưng điều này cũng không còn dễ dàng như trước đây.
Số liệu thống kê đầu năm cũng cho thấy, tình hình xuất nhập khẩu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều có xu hướng suy giảm. Ngày 18/2/2016, Nhật Bản công bố số liệu thương mại cho thấy, xuất khẩu tháng 1/2016 giảm 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái - sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp và là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, trong khi đó, nhập khẩu giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo hoạt động thương mại mới đây của Trung Quốc và Ấn Độ cũng cho thấy, một “bức tranh” thương mại ảm đạm và dường như đang ở trong khoảng thời gian tồi tệ. Số liệu ngày 15/2 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, tính theo Nhân dân tệ, xuất khẩu tháng 1/2016 của nước này giảm 6,6%, trong khi nhập khẩu giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính theo USD, xuất - nhập khẩu tháng 1/2016 của Trung Quốc lần lượt suy giảm 11,2% và 18,8 % so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ cũng thông báo xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2016 giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm 8% trong năm 2015, mức giảm tồi tệ nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng…
Theo một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thương mại thế giới đang bị tổn thương bởi nguồn cung dư thừa, gây ra một phần do tình trạng mở rộng công suất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cho dù vòng xoáy suy giảm này là theo chu kỳ hay do thay đổi cơ cấu gắn với quá trình toàn cầu hóa thì viễn cảnh thương mại toàn cầu trong những tháng tới sẽ không mấy sáng sủa. Trong giai đoạn từ năm 1950 đến 2008, thương mại toàn cầu đã tăng trưởng gấp ba lần tốc độ tăng của nền kinh tế thế giới. Sau thời gian hồi phục ngắn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thương mại thế giới trong những năm gần đây chỉ tăng trưởng ngang với nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và viễn cảnh năm 2016 bị sẽ giảm cũng là điều nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia.
Điểm tựa cho thương mại toàn cầu
Hiện có nhiều dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016. Các cơ quan quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây đều thận trọng và điều chỉnh lại các số liệu dự báo thấp hơn so với trước đó. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB tháng 01/2016 dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 ở mức 2,9% trong khi Liên Hợp quốc cũng chỉ đưa ra con số tương tự (2,9%). Dù lạc quan hơn, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 3,4% trong năm nay, nhưng con số này vẫn thấp hơn 0,2% so với mức dự báo IMF đưa ra hồi tháng 10/2015. Thậm chí, tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới Conference Board (có trụ sở tại New York, Mỹ) dự đoán kinh tế thế giới chỉ tăng 2,8% trong năm 2016...
Dự báo, các nền kinh tế lớn cũng đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể, khu vực đồng Euro được dự báo mức tăng trưởng ước đạt là 1,6%, trong khi kinh tế Mỹ là 2,4%. Đáng lo ngại nhất lại là kinh tế Trung Quốc khi ngay đầu năm 2016 đã có những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. IMF dự kiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại còn 6,3% vào năm 2016, trong khi WB cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là 6,7%. Các nước mới nổi cũng chịu nhiều sức ép do năng lực nội tại yếu và chịu bất lợi do giá nguyên liệu đầu vào thấp. Trong số các nước mới nổi, khu vực Nam Mỹ đáng lo ngại nhất vì chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá các loại nguyên liệu đầu vào dẫn tới sự suy giảm sản lượng xuất khẩu. ADB nhận định, kinh tế tăng trưởng thấp tại các nước mới nổi sẽ kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mới…
Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ khiến thương mại toàn cầu ảnh hưởng theo. Trong viễn cảnh ảm đạm đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết giữa 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, với quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu được coi là “điểm tựa” cho thương mại toàn cầu trong thời gian tới. Là một trong những FTA kiểu mới đầu tiên, TPP không chỉ bó buộc lại trong các vấn đề thương mại hàng hóa mà còn tham vọng hơn, nhằm viết lại luật chơi thương mại toàn cầu, được kỳ vọng sẽ mở ra một sân chơi mới, với những quy định mới về thương mại toàn cầu trong thế kỷ XXI. Hơn nữa, trong bối cảnh vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu đang bị đình trệ, các nền kinh tế lớn như Mỹ và các nước trong khối EU đang hướng mục tiêu của mình vào những hiệp định như TPP và Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) như một sự thay thế quan trọng trong thời gian tới.
Do vậy, các chuyên gia cũng đều có chung nhận định rằng ý nghĩa chiến lược của TPP đối với thương mại toàn cầu trong thời gian tới là vô cùng to lớn. Thương mại thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,39% trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nếu xét đến tác động của TPP thì mức tăng trưởng về thương mại có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều khi các thành viên tham gia Hiệp định này có tác động chi phối đến 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, TPP cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa châu Á trở thành vai trò chủ lực trong thương mại toàn cầu. Một số nghiên cứu cho thấy, thương mại nội vùng chính là động lực đưa tỷ lệ thương mại của châu Á trong thương mại toàn cầu từ mức 17% hiện tại lên mức 27% vào năm 2050.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Thế giới, Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” (01/2016);
2. Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thương mại toàn cầu đình trệ (1/2016);
3. Thời báo Ngân hàng, Thương mại toàn cầu 2016: Đối mặt với những quan ngại (3/2016);
4. Các trang web: moit.gov.vn, tapchicongsan.org.vn, cafef.vn.