Nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng


Mục tiêu tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay là từ 6,5 - 7%. Mặc dù việc đạt được mục tiêu là hết sức khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài, tuy nhiên việc giữ nguyên mục tiêu sẽ giúp nền kinh tế nỗ lực cao nhất để hướng tới.

Việt Nam đang chú trọng đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển. Ảnh: Nguyệt Anh
Việt Nam đang chú trọng đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển. Ảnh: Nguyệt Anh

Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã đi được ba phần tư quãng đường của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có triển vọng tiêu cực, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, tình trạng trì trệ của các nền kinh tế khu vực Eurozone và việc tăng lãi suất 0,25% điểm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế của thế giới và của nước ta, như Báo cáo của Chính phủ đã nêu. Tình trạng thiếu điện từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2023 do đợt nắng nóng đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 0,3% GDP (tương đương khoảng 1,4 tỷ USD) do thiếu điện, hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện trong thời gian qua cho thấy chúng ta vẫn chưa có chiến lược và biện pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, qua đó làm ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của đất nước.

Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, việc hoàn thuế do dòng tiền về chậm khiến doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ vốn, doanh nghiệp còn phải đối mặt những bất cập trong nội tại nền kinh tế. Đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản khó vượt. Đặc biệt sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp do một số cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhất là thời điểm cuối quý I/2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường. Bình quân trong một tháng quý I có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

“Đứng trước nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không thể nản lòng. Chúng tôi tận dụng cơ hội để cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh, giảm sự lãng phí trong hoạt động, nâng cao hiệu quả bằng việc chuyển đổi số toàn diện trong mọi khâu, mọi quá trình. Đây cũng là cơ hội để khẳng định giá trị của doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh”, ông Cao Đại Thắng - Chủ tịch HĐQT Intech Group chia sẻ.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp, PGS., TS Trần Đình Thiên đánh giá sự đồng hành của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các hộ sản xuất, kinh doanh. “Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã bám sát phương châm đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, các địa phương khẩn trương ban hành triển khai thực hiện, khắc phục những điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh”.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh, kinh tế thế giới biến động khó lường với triển vọng không mấy tươi sáng. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới. Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh. Vì vậy, việc nỗ lực để thúc đẩy hướng tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua là rất quan trọng.

Theo PGS., TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, việc nhận diện được những khó khăn về mặt xuất khẩu có thể giúp chúng ta xác định lại trong việc dựa vào những trụ cột bên trong như tiêu dùng nội địa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng đầu tư từ tư nhân, cải thiện, đơn giản hóa về cơ chế chính sách bảo đảm cho việc dám nghĩ, dám làm trong đầu tư công, hoặc có thể thúc đẩy những xu hướng kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững.

“Việt Nam cũng cần có các chính sách về đào tạo lao động hiệu quả hơn để phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế mới đang được thúc đẩy mạnh mẽ như chip bán dẫn, sản xuất thông minh, hydrogen xanh...”, ông Bùi Quang Tuấn nói thêm.

Còn theo ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số tín hiệu tích cực từ khu vực sản xuất với chỉ số quản trị người mua hàng đã tăng lên trên ngưỡng 50 điểm thời gian gần cho thấy đã có những phục hồi nhẹ tại một số nền kinh tế lớn. “Tăng trưởng quý IV sẽ được hỗ trợ rất nhiều bởi khu vực công nghiệp, đặc biệt là khu vực công nghiệp chế biến chế tạo và chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng quý cuối cùng của năm sẽ đạt khoảng 7%, đưa mức tăng trưởng cả năm lên khoảng hơn 5%”.

“Để đạt mục tiêu 6,5% cho cả năm, những tháng cuối cùng của năm phải nỗ lực tăng trưởng hơn 12%. Điều này rất khó khăn. Tuy vậy, cần có những nỗ lực cao nhất để tạo ra nền tảng vững chắc cho những đột phá mới của kinh tế nước ta trong trung và dài hạn”, ông Lê Trung Hiếu đánh giá.

Theo nhandan.vn