Ngành Tài chính:
Nỗ lực vượt khó, quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023
Sáng 13/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị.
Về phía Bộ Tài chính, tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện cán bộ chủ chốt các tổng cục, cục, vụ, viện, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Bộ Tài chính còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và một số Bộ, cơ quan Trung ương. Tại điểm cầu 62 tỉnh, thành phố có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương, các cơ quan tài chính đóng trên địa bàn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã xem video sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Tài chính.
Bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững
Báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị cho biết, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, bám sát chủ đề điều hành năm 2023 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” và tình hình thực tiễn trong 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; kịp thời tham mưu, đề xuất ban hành và tổ chức triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Theo đó, Bộ Tài chính tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính – NSNN. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật giá (sửa đổi), hoàn thành 16/26 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 05 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình điều hành.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN; kịp thời đề xuất, ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, thu NSNN nửa đầu năm2023 đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; chi NSNN ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.
Lũy kế đến ngày 30/6/2023, đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm.
Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài; Thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết.
Với những nỗ lực của toàn ngành Tài chính cũng như kết quả khả quan từ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính – NSNN, ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch đã đánh giá tích cực xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng ở mức BB, triển vọng ổn định; BA2, triển vọng ổn định; BB, triển vọng tích cực). Đây là những tín hiệu tích cực, khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế về khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế, ban hành và thực hiện chính sách linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ.
Linh hoạt điều hành chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế
Theo báo cáo, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với các chính sách về thu NSNN, căn cứ các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đánh giá tình hình khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8%) để kích cầu tiêu dùng, áp dụng từ ngày 01/7/2023 đến 31/12/2023; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định số 41/2023/NĐ-CP về quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe được sản xuất, lắp ráp trong nước...
Bộ Tài chính cho biết, dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng.
Về chi NSNN, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán NSNN năm 2023, Bộ Tài chính đã đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ và giao dự toán chi NSNN theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.
Công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng đầu năm bám sát theo đúng kịch bản điều hành giá đã đề ra; giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, bình quân 6 tháng CPI tăng 3,29% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 4,74%.
Tăng cường quản lý chi NSNN, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; Chủ động tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh như bố trí kinh phí mua vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Song song với những kết quả đạt được nêu trên, Bộ Tài chính đã chú trọng công tác điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.
Phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023
Dự báo trong nửa cuối năm 2023 tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023, Bộ Tài chính đề ra các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Đồng thời, kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, các nghĩa vụ trả nợ dự phòng của NSNN, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ sẽ quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế; Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán; Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Cùng với đó, tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN; nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công; chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024-2026...