Nợ toàn cầu: “Quả bom nổ chậm”
Nợ toàn cầu tiếp tục tăng vọt, theo dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố ngày 15/7.
Cụ thể, thế giới đã nợ thêm 3.000 tỷ USD trong Quý I/2019, chạm 246.500 tỷ USD, suýt soát mức kỷ lục đã xác lập vào cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng nợ toàn cầu ở thời điểm hiện tại lên gấp gần 320% GDP toàn cầu. Trong đó, dẫn đầu danh sách nợ là các khoản vay của chính phủ Mỹ và những doanh nghiệp phi tài chính trên toàn cầu.
Theo dữ liệu công bố ngày 15/7 của IIF, tổng nợ tại các nền kinh tế mới nổi, gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cả hộ gia đình, đã đạt kỷ lục mới ở mức hơn 69.000 tỷ USD - gấp 216,4% GDP. Tỷ lệ nợ/GDP ghi nhận mức tăng mạnh nhất tại Chile, Hàn Quốc, Brazil, Nam Phi, Pakistan và Trung Quốc.
Còn tại các nước đã phát triển, tổng nợ đã lên đến 177.000 tỷ USD, tăng 1.600 tỷ USD trong quý I/2019. Trong đó, riêng nợ chính phủ đã chiếm 1.000 tỷ USD. Phần Lan, Canada và Nhật Bản là ba nước có tỷ lệ nợ/GDP tăng mạnh nhất năm qua; trong khi đó, tại một số nước châu Âu như Hà Lan, Ai-len và Bồ Đào Nha, tỷ lệ này đang giảm.
Riêng tại Mỹ, tổng nợ đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, chạm 69.000 tỷ USD trong Quý I/2019, với 22.000 tỷ USD đến từ các khoản vay của chính phủ. Bên cạnh đó, nợ doanh nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang ở mức báo động, khi đã lên đến 15.500 tỷ USD, tương đương 74% GDP. Trong đó, nợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cũng như các hình thức kinh doanh khác (không được niêm yết trên thị trường chứng khoán) chiếm 5.500 nghìn tỷ USD.
Nợ công cũng chứng kiến đà gia tăng mạnh mẽ tại Trung Quốc, khi nước này buộc phải nới lỏng các khoản cho vay và phát hành trái phiếu để tạo động lực vực dậy nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp do tác động từ cuộc thương chiến với Mỹ. Theo đó, trong quý I/2019, nợ công của Trung Quốc đã vượt hơn 40.000 tỷ USD, gấp khoảng 304% GDP, tương đương 15% tổng nợ toàn cầu.
Để hiểu đúng về các con số nêu trên, cần biết rằng, nợ công ở các nước phát triển chưa từng ở mức cao như vậy kể từ Thế chiến II; còn ở các nước đang phát triển, nợ công hiện tại là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng nợ những năm 80.
Theo IIF, nợ toàn cầu tăng kỷ lục và không thể kiểm soát nổi là hậu quả từ những chính sách vô trách nhiệm của các ngân hàng trung ương (NHTƯ), cái giá của việc nghiện in tiền và phân phối các khoản vay. Chính phủ, các doanh nghiệp và cá nhân vay tiền để phát triển kinh tế; và khi tăng trưởng không xảy ra, họ lại vay nhiều hơn nữa, vì các NHTƯ lớn nhất áp dụng mức lãi suất thấp. Ngay cả trước khi Cục dự trữ liên bang Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, một số NHTƯ thuộc các nước đang phát triển đã giảm lãi suất rồi.
Đặc biệt, “quả bom nổ chậm” mang tên nợ toàn cầu sẽ càng nguy hiểm hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Với việc hàng rào thuế quan tiếp tục được dựng lên, thương mại sẽ càng lúc càng bị bóp nghẹt, dẫn đến các doanh nghiệp vay tiền sẽ càng khó trả nợ hơn. Rốt cuộc, kinh tế thế giới sẽ chững lại, hoặc tệ hơn là rơi vào khủng hoảng. Khi đó, khủng hoảng thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008, IIF cho biết.
Trong đó, hai “quả bom” có nguy cơ phát nổ cao nhất là Mỹ và Trung Quốc - nơi mà tổng nợ lớn gấp nhiều lần GDP. Nếu chỉ một trong hai vỡ nợ, thế giới sẽ lập tức sa vào một cuộc khủng hoảng kinh tế không có lối thoát, các chuyên gia cảnh báo.