Nợ xấu ngân hàng nhích tăng

Theo Vân Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

Kết thúc quý I/2020, lợi nhuận của nhiều ngân hàng chưa chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nợ xấu có chiều hướng tăng, bao gồm cả nợ nhóm 5.

Nợ xấu ngân hàng nhích tăng.
Nợ xấu ngân hàng nhích tăng.

Tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng 95% trong 3 tháng đầu năm 2020 lên 377 tỷ đồng chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Saigonbank tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.

Nợ xấu nội bảng của Sacombank tính đến cuối tháng 3/2020 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.

Ðáng lưu ý, hoạt động xử lý nợ của Sacombank có phần chậm lại khi lãi từ hoạt động khác giảm tới 76,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 71 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu của Sacombank đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Báo cáo tài chính quý I/2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ nhóm 3, 4, 5 tăng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Ðơn cử, tại Kienlongbank, tính đến cuối quý I, giá trị nợ xấu tăng 5,7 lần lên 2.293 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tăng từ 1% lên 6,62%. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ 238 tỷ đồng lên 2.126 tỷ đồng, chiếm 93% giá trị nợ xấu.

Theo thuyết minh của Kienlongbank, nợ nhóm 5 tại ngày 31/3/2020 gồm 1.895,7 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của Sacombank.

Vừa qua, Kienlongbank đã chào bán 2 lần hơn 176,3 triệu cổ phiếu của STB, tương đương 9,3% vốn điều lệ STB. Sau khi không thành công trong lần đầu, Kienlongbank đã giảm giá khởi điểm 10%, xuống mức 21.600 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn chưa bán thành công.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này giảm 70% do phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt đối với các khoản cho vay của khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB.

TPBank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng tính đến hết quý I/2020, lên mức 1.884 tỷ đồng, tương đương tăng 53% chủ yếu do nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61% lên 771 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,28% lên 1,87%.

Tương tự, Vietcombank ghi nhận giá trị nợ xấu tăng 7% lên 6.191 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,79% lên 0,82%; BAC A BANK tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%; Nam A Bank tăng từ 1,97% lên 1,98%...

Báo cáo tài chính của quý I/2020 của VietBank cho thấy, nợ xấu nội bảng của VietBank tính đến cuối tháng 3/2020 ở mức gần 572 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ xấu tăng chủ yếu do nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 63%, đạt hơn 160 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,32% lên 1,36%.

Nhìn chung, nợ xấu có chiều hướng tăng ở nhiều ngân hàng trong quý đầu năm nay, song hầu hết mức tăng chưa mạnh, một phần nhờ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo báo cáo của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó Ngân hàng Chính sách Xã hội là 1.400 tỷ đồng).

Theo ước tính mới nhất của NHNN, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm 23% tổng tín dụng toàn hệ thống. NHNN cũng đánh giá tiềm ẩn nợ xấu tăng trong năm nay theo 2 kịch bản: Thứ nhất, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại) sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và từ 2,6-3% nếu kéo dài đến cuối năm;

Thứ hai, trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý II, nợ xấu sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý và 3,7% vào cuối năm, thậm chí có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD nói chung, cũng như khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém nói riêng.

Nợ xấu có chiều hướng tăng buộc các nhà băng phải tăng dự phòng rủi ro. Ðơn cử, Vietcombank tăng dự phòng rủi ro dư nợ thêm 40%, ở quanh mức 14.548 tỷ đồng trong quý I/2020. TPBank cũng nâng dự phòng lên 1.432 tỷ đồng, tăng 19%.

Dự phòng rủi ro tín dụng của BAC A BANK chiếm hơn 44 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm 2019 không phải trích lập dự phòng.

Tại Kienlongbank, trích lập dự phòng rủi ro tăng tới 37 lần khi kết thúc quý I/2020, lên gần 69 tỷ đồng, góp phần kéo giảm gần 23% lợi nhuận trước thuế, xuống mức 57 tỷ đồng.