Nợ xấu ngân hàng qua góc nhìn của chuyên gia
Tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng ở mức 2,58%. Số liệu từ các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng cũng cho thấy, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng. Xung quanh câu chuyện xử lý nợ xấu ngân hàng, Tạp chí Tài chính lược trích một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Hiện nay, việc xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh, chỉ đạo tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, việc xử lý nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam cũng đang được chỉ đạo tích cực nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng:
Xử lý nợ của các ngân hàng sẽ còn mất nhiều thời gian
Bài toán xử lý nợ xấu đối với ngân hàng hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng. Với thị trường tài sản còn nhiều hạn chế và thiếu người mua, cơ chế thi hành án và bán đấu giá tài sản còn nhiều điểm nghẽn, thì việc xử lý tài sản bảo đảm hay xử lý nợ của các ngân hàng sẽ còn phải mất nhiều thời gian.
Ông Lê Văn Quyết, thành viên hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Eximbank:
Nghiêm túc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu
Để xử lý nợ xấu, chúng tôi đang nghiêm túc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, xác định lại chất lượng nợ của các khoản vay, tiếp tục tái đầu tư vào các hạng mục nhằm hiện đại hóa ngân hàng.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách:
Xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu “dọn” nợ vào kho
Xử lý nợ xấu hiện nay có thể thay đổi về lượng nhưng không thay đổi căn bản về chất. Xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu “dọn” nợ vào kho, còn khối nợ xấu này có hướng giải quyết như thế nào thì vẫn chưa có lời giải.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Nếu tính gộp cả nợ xấu do VAMC nắm giữ, tổng nợ xấu toàn hệ thống sẽ vượt 7%
Tuy nợ xấu chỉ chiếm 2,9% tổng dư nợ ngân hàng vào thời điểm 31/12/2015, nhưng dường như con số đó chỉ thể hiện phần nào vấn đề chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng bởi nó chưa tính cả các khoản nợ xấu do VAMC nắm giữ. Vì vậy, nếu tính gộp cả nợ xấu do VAMC nắm giữ thì tổng nợ xấu toàn hệ thống sẽ vượt 7%.
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (A84):
Xét duyệt kỹ khi cho vay để hạn chế đầu vào của nợ xấu
Về phía ngân hàng, khi cho vay cần xét duyệt thật kỹ hồ sơ thẩm định vay để giảm rủi ro không đáng có như: nâng khống giá trị tài sản, làm giả tài liệu… để đảm bảo đúng quy trình. Nhất là nâng cao khả năng cảnh giác, giáo dục cho các cán bộ tín dụng khi đi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Chúng tôi cũng hiểu thời điểm này tìm kiếm khách hàng tốt rất khó khăn nhưng không vì thế mà làm ẩu, để hạn chế được đầu vào của nợ xấu.
Ông Đoàn Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC):
Năm 2016 sẽ mua được 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Hiện VAMC vẫn đang nỗ lực giải quyết nợ xấu và lũy kế đến nay thu hồi được khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 15% khối lượng nợ mua vào. Tốc độ thu hồi nợ luôn tăng qua từng năm. Nếu như năm 2014, VAMC chỉ thu được 5 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2015 đã thu được 12 nghìn tỷ đồng và cập nhật đến thời điểm này của năm 2016 thì đã thu được 11 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch của VAMC năm 2016 sẽ mua được 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu.