Nợ xấu ngân hàng và những nỗi lo

Hồng Nhung

(Tài chính) Trong năm 2014, Chính phủ vẫn đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết nợ xấu trong ngân hàng, nhằm khơi thông nguồn tín dụng, đảm bảo cho sự phát triển tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong tháng 1/2014 là -0,5% và lên tới -1,66% cuối tháng 2. Như vậy, có thể nói, hiện nay, các ngân hàng vẫn đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc cho vay tín dụng và giải quyết nợ xấu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mới đây, tổ chức Moody’s đã thông báo số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã lên tới hơn 15%. Tuy nhiên, theo một công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu tới cuối năm 2013 là 3,63% và nếu tính toán nợ xấu bao gồm cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN, tỷ lệ này chỉ ở mức 9%. Mặc dù vậy, điều này vẫn khiến nhiều người hoài nghi về sức khỏe của hệ thống ngân hàng.

Theo ý kiến các chuyên gia, dù nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 15% hay 9% thì điều này cũng cho thấy việc giải quyết “cục máu đông” của nền kinh tế cần phải được ưu tiên và thực hiện triệt để nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Ngay từ trước khi được thành lập, VAMC được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực cho toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm chính thức hoạt động, số nợ xấu mà VAMC mua được từ các tổ chức tín dụng là 39.700 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm 2013 nhưng đến nay mới thu hồi được 200 tỷ đồng. Điều này cho thấy, khối nợ xấu của nền kinh tế vẫn đang bị tắc nghẽn ở chính đơn vị này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhân định, cần phải nhanh chóng dứt điểm xử lý nợ xấu bởi nếu để khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm là quá dài và sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc cho nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để xử lý triệt để vấn đề này.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC trong việc giải quyết nợ xấu, một số ý kiến cho rằng nên tăng thêm vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế đang ở trong giai đoạn còn gặp nhiều khó khăn, việc tăng vốn điều lệ của VAMC rất khó được thực hiện. Điều quan trọng cần làm là tìm hướng đầu ra cho khối nợ xấu đang xấu dần này.

Theo nhiều chuyên gia cho biết, hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất quan tâm đến thị trường nợ xấu của Việt Nam. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này vẫn đang còn nhiều e dè bởi lo ngại về công thức nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, các thông tin và tài sản thế chấp chưa minh bạch và còn nhiều rủi ro… Chính vì vậy, để thu hút nguồn vốn nước ngoài đầy tiềm năng cũng như đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững, mỗi ngân hàng phải minh bạch các khoản tài chính cũng như cung cấp các thông tin cần thiết để thu hút dòng vốn ngoại.

Bên cạnh đó, NHNN vừa ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, Thông tư 09 đã bổ sung quy định tổ chức tín dụng thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty VAMC phát hành để mua nợ xấu. Tổ chức tín dụng định kỳ phải tự đánh giá tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị của những tài sản đó phù hợp với giá trị thị trường khi tính số tiền phải trích lập dự phòng cụ thể. Điều này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch tài chính của các tổ chức tín dụng, đồng thời giảm rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Thêm vào đó, vấn đề về sở hữu chéo trong hệ thông ngân hàng Việt Nam vô cùng phức tạp và là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc xử lý nợ xấu càng trở nên khó khăn hơn. Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, hiện nay tỷ lệ vốn của các tổ chức tín dụng đang sở hữu nhau ở mức khoảng 6% tổng vốn điều lệ ở các ngân hàng. Con số này không phải là lớn, tuy nhiên, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Vì vậy,  không có cách nào khác là phải dần dần tháo bỏ những quan hệ sở hữu chằng chịt đang thít chặt sự phát triển của nền kinh tế nhằm làm cho hệ thống phát triển lành mạnh hơn.

Mới đây, NHNN cho biết mục tiêu tới năm 2017 sẽ giảm số lượng ngân hàng trong nước từ 39 xuống còn khoảng 15 ngân hàng. Đây được xem là một tín hiệu tích cực của Chính phủ trong việc góp phần giảm tình trạng sở hữu chéo vốn đang cản trở tiến trình giải quyết nợ xấu. Không những vậy, việc cơ xấu lại hệ thống ngân hàng còn giúp nguồn vốn mới được tập trung và dễ dàng đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Để làm được việc này, NHNN đang tiếp tục đưa ra các biện pháp tăng cường tính minh bạch của các giao dịch tiền tệ cũng như các biện pháp thanh tra giám sát hoạt động kinh doanh, rà soát lại cơ cấu chủ sở hữu tại các tổ chức tín dụng. Đây cũng là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài ra quyết định đầu tư vào các tổ chức tín dụng Việt Nam khi các thông tin về tài chính được minh bạch hóa.