Nợ xấu ngành Ngân hàng đang có xu hướng biến động mạnh
Trao đổi với Tạp chí Tài chính về bức tranh ngành Ngân hàng trong 2 quý đầu năm, ông Lê Hoài Ân - Chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp cho rằng, tín dụng đã khả quan, tuy nhiên đáng lo ngại về xu hướng nợ xấu đang biến động mạnh, gây áp lực cho ngành.
Phóng viên: Qua báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng đã được công bố, ông đánh giá như thế nào về xu hướng lợi nhuận 6 tháng đầu năm của nhóm này?
Ông Lê Hoài Ân: Tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng trong quý II/2024 đạt khoảng 163.300 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự cải thiện mạnh mẽ trong thu nhập lãi thuần, với mức tăng 19,57% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lãi thuần từ ngoại hối và vàng cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 7.526 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng chậm hơn, chỉ khoảng 7,4% so với cùng kỳ. Trong quý II, các ngân hàng đã kiểm soát chi phí tốt hơn, với tổng chi phí hoạt động tăng 7,1% so với cùng kỳ, góp phần làm tăng lợi nhuận trước thuế lên 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Phóng viên: Nhìn vào kết quả kinh doanh các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, có điểm nào cần chú ý thưa ông?
Thứ nhất, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt 6,10% so với cuối năm 2023, vượt xa mức 3,43% ghi nhận vào tháng 5. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 6, khoảng 360.000 tỷ đồng đã được giải ngân, nâng tổng tín dụng lên gần 14,4 triệu tỷ đồng, đạt mục tiêu tăng trưởng 6% trong nửa đầu năm 2024. Điều này tạo ra nhiều kỳ vọng về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong cả năm.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2024, dư nợ tín dụng trong nền kinh tế giảm nhẹ xuống gần 14,33 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 5,66% so với đầu năm.
Mặc dù việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 6% trong nửa đầu năm 2024 là một kết quả tích cực, nhưng chất lượng tín dụng vẫn là một yếu tố cần được cân nhắc. Việc giải ngân nhanh một lượng lớn tín dụng trong thời gian ngắn có thể dẫn đến lo ngại về hướng đi của dòng chảy tín dụng. Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ có thể thúc đẩy kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Động lực tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ các ngân hàng niêm yết, trong khi các ngân hàng nhỏ hơn vẫn duy trì mức tăng trưởng thấp. Xét trên bối cảnh vĩ mô, khu vực sản xuất đang có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP ngành Công nghiệp đạt 7,4% trong nửa đầu năm 2024, và chỉ số PMI duy trì trên ngưỡng 50 điểm.
Ngược lại, tiêu dùng vẫn yếu, dẫn đến hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân gặp nhiều khó khăn, buộc các ngân hàng phải điều chỉnh chiến lược, tập trung vào cho vay doanh nghiệp như năm 2023. Điều này giúp khơi thông nguồn vốn, nhưng cũng hạn chế khả năng phân tán rủi ro khi tập trung vào tín dụng doanh nghiệp.
Phóng viên: Nợ xấu đang ở mức cao, điều này sẽ gây rủi ro gì cho hệ thống ngân hàng, thưa ông?
Ông Lê Hoài Ân: Xu hướng nợ xấu trong hệ thống đang biến động mạnh. Với một lĩnh vực có tính đòn bẩy tài chính cao như Ngân hàng thì đây là một mức tỷ lệ nợ xấu rất đáng lo lắng. Sự gia tăng này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng mà còn có tác động sâu rộng đến chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro.
Vấn đề của nợ xấu hiện tại không phải chỉ bởi quy mô mức nợ xấu mà còn là những diễn biến khó lường của nợ xấu, trong bối cảnh mà mức tăng trưởng tín dụng hàng năm vẫn đang ở mức cao và Thông tư 02 tiếp tục được gia hạn thêm 6 tháng nữa.
Sự thay đổi trong tỷ lệ nợ xấu này không chỉ phản ánh tình hình kinh tế chung mà còn bị chi phối bởi các yếu tố nội tại của từng ngân hàng. Nợ xấu phụ thuộc rất nhiều bởi danh mục khách hàng cho vay cũng như chính sách trích lập dự phòng của mỗi ngân hàng, do đó sẽ mang tính chủ quan nhất định.
Một điểm cần lưu ý trong số liệu của kỳ báo cáo này đó là việc hệ số bao phủ nợ xấu, đo lường bởi mức trích lập ngân hàng đã thực hiện so với quy mô nợ xấu, vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Điều đó thể hiện sức chống chịu rủi ro nói chung của hệ thống đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn cách đây hai năm.
Mặt khác, nợ xấu gia tăng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Sự gia tăng nợ xấu không chỉ làm tăng tâm lý lo ngại trong các ngân hàng mà còn làm gia tăng chi phí trích lập dự phòng, thu hẹp dư địa cho tăng trưởng tín dụng. Kết quả là, tiến trình khơi thông nguồn vốn bị cản trở, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế.
Phóng viên: Trong những tháng còn lại của năm 2024, theo ông, hoạt động của ngành Ngân hàng có những thuận lợi và khó khăn ra sao?
Ông Lê Hoài Ân: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn được duy trì trong khoảng 14-15%. Khả năng đạt được mục tiêu này cùng với các kế hoạch khơi thông nguồn vốn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng theo dõi sát sao.
Tính đến nửa đầu năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 6% đã cơ bản được hoàn thành. Với việc NHNN đã phân bổ hết hạn mức tín dụng từ đầu năm và lãi suất huy động và cho vay đang ở mức thấp, các ngân hàng có cơ hội để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là khi mục tiêu cả năm vẫn ở mức tương đối cao.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng tín dụng đang là một thách thức cần lưu ý, đặc biệt khi xét đến diễn biến trong 5 tháng đầu năm và tháng 7 vừa qua. Các ngân hàng phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng đồng thời với việc kiểm soát nợ xấu, đòi hỏi sự phân tán rủi ro và phân bổ dòng vốn hợp lý để khơi thông nguồn vốn mà không gây ra tình trạng nợ xấu lan rộng do cho vay quá tập trung vào một lĩnh vực.
Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng cần dựa trên khả năng hấp thụ vốn của khách hàng một cách chọn lọc, nhằm tối ưu hóa hiệu quả của dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một thách thức khác mà ngành Ngân hàng phải đối mặt là sự gia tăng nợ xấu và việc Thông tư 02 sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Các ngân hàng cần tập trung xử lý nợ xấu và lập ra các chính sách trích lập dự phòng thận trọng để tránh áp lực trích lập dồn lên vào cuối năm, điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như thu hẹp dư địa tăng trưởng tín dụng.
Phóng viên: Xin cám ơn ông !