Nợ xấu ngân hàng: Thực trạng và giải pháp

TS. Trần Minh Thái - Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính (Bộ Tài chính)

Trong những năm qua, quá trình xử lý nợ xấu ngành Ngân hàng dù đã đạt được một số thành công, song cũng tồn tại nhiều hạn chế và còn đối mặt với không ít thách thức về nguồn lực xử lý nợ, khuôn khổ pháp lý xử lý tài sản bảo đảm, thị trường mua bán nợ chưa phát triển. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, hoạt động này càng gặp nhiều khó khăn, do thị trường bất động sản “đóng băng” và phần lớn khách hàng doanh nghiệp thiếu đầu ra. Để giải quyết các vấn đề đặt ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.

Thực trạng nợ xấu ngân hàng thời gian qua

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết năm 2022, tổng số vốn tự có của các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 422.786 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt ở mức 9,04%.

Trong khi đó, tổng số vốn tự có của các NHTM cổ phần đã áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN là 722.854 tỷ đồng, tăng 18,52% so với đầu năm (Bảng 1). Tỷ lệ an toàn vốn của khối ngân hàng này cao hơn khá nhiều so với các NHTM nhà nước, đạt 12,29%. Theo đó, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng có tỷ lệ an toàn vốn với con số khá ấn tượng, đạt 18,61% tính theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN vào cuối năm 2022.

Bảng 1: Vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hnagf thương mại tại Việt Nam theo Thông tư 41/2016/TT- NHNN

 

Vốn tự có

Loại hình tổ chức tín dụng

Số tuyệt đối (tỷ đồng)

Tốc độ tăng trưởng (%)

Tỷ lệ an toàn vốn (%)

NHTM Nhà nước

422.786

15,23

9,04

NHTM cổ phần

722.854

18,52

12,29

NHTM nước ngoài

245.302

12,24

18,61

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê của NHNN (2022)

Trong hệ thống NHTM Việt Nam, hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó NHNN có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng đã bắt đầu chuyển sang đáp ứng những tiêu chuẩn của Basel III. Những động thái này sẽ giúp các ngân hàng quản trị rủi ro và an toàn vốn hiệu quả hơn.

Trong 5 năm trở lại đây, thị phần tín dụng của hệ thống NHTM Việt Nam có sự phân chia rõ rệt, trong đó, thị phần cho vay của khối NHTM nhà nước vẫn chiếm chủ yếu là 51,8%, nhóm NHTM cổ phần là 41,3% và NHTM nước ngoài là 6,9%. Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tỷ lệ nợ nhóm 2 có xu hướng giảm. Việc tích cực giảm tỷ lệ nợ xấu hàng năm cho thấy, chất lượng tài sản của ngân hàng có sự cải thiện qua từng năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, dưới áp lực của nền kinh tế cũng như diễn biến dịch bệnh phức tạp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng trở lại (từ 1,4% năm 2020 tăng lên 1,62% năm 2021), nhưng các tỷ lệ vẫn được giữ ở trong ngưỡng an toàn.

Một số ngân hàng lớn, như: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đã giãn, hoãn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cho khách hàng, nhưng không ít doanh nghiệp, người dân làm đơn yêu cầu được giãn, hoãn nợ và bị ngân hàng từ chối vì… chất lượng tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp không đủ điều kiện.

Trong thời gian qua, tại Việt Nam, mặc dù Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã đồng hành cùng các tổ chức tín dụng và các công ty công ty quản lý nợ và khai thác tài sản NHTM (Asset Management Company – AMC) khác, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành Ngân hàng về dưới 3%.

Tuy nhiên, kết thúc đợt công bố báo cáo tài chính quý II/2023, một loạt các báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, áp lực nợ xấu đang gia tăng. Trong 28 ngân hàng chỉ duy nhất 2 đơn vị ghi nhận nợ xấu giảm so với đầu năm. Tính đến hết 30/6/2023, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 28 ngân hàng ở mức 2,02%, tăng 0,41 điểm % so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình giảm từ 127% còn 105%.

Về quy mô nợ xấu, VPBank đang là ngân hàng có nợ xấu lớn nhất với 31.864 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm 2022. Mặc dù, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) có cải thiện, giảm 30% xuống còn 4.989 tỷ đồng, nhưng nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ lại tăng mạnh lên lần lượt 45% và 53% lên 11.502 tỷ đồng và 15.371 tỷ đồng. 3 vị trí sau VPBank đều thuộc nhóm Big 4, trong đó, BIDV ghi nhận 25.970 tỷ đồng, tăng 47%, riêng nợ nghi ngờ nhân đôi lên gần 5.300 tỷ đồng; Agribank ở mức 25.945 tỷ đồng, tăng 9%; và VietinBank là 17.308 tỷ đồng, tăng 10%.

Nhìn trên tổng thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đang được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng nợ xấu ở 7 ngân hàng đã vượt qua mức này. NHTM Cổ phần Quốc Dân (NCB) tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ở mức 25,6% trong khi chỉ số này tại thời điểm cuối năm 2022 là 17%.

Nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng

Bảng 2: So sánh tỷ lệ nợ xấu và nợ bao phủ của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực

Các quốc gia

Trung Quốc

Malaysia

Thái Lan

Singapore

Philippines

Indonesia

Việt Nam

Tỷ lệ nợ xấu (%)

1,3

1,5

3,7

1,4

4,2

2,5

1,62

Tỷ lệ nợ bao phủ (%)

226,4

166,2

142,6

87,9

122,1

47,4

115,21

Nguồn: IMF (2022)

Dù chính sách tái cơ cấu nợ mới của NHNN đã được triển khai từ tháng 4/2023, nhưng nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trong quý II/2023 cho thấy những thách thức mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt.

Một là, bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, từ đó làm cho nợ xấu gia tăng dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, do đại dịch COVID-19, hoạt động xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng càng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có chiều hướng xấu đi, do thị trường bất động sản (BĐS) “đóng băng” và phần lớn khách hàng doanh nghiệp thiếu đầu ra. Thực tế hiện nay, các ngân hàng được tái cơ cấu nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, song nhiều ngân hàng không mặn mà giãn, hoãn nợ.

Một số ngân hàng lớn, như: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đã giãn, hoãn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cho khách hàng, nhưng không ít doanh nghiệp, người dân làm đơn yêu cầu được giãn, hoãn nợ và bị ngân hàng từ chối vì… chất lượng tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp không đủ điều kiện.

Hai là, thị trường mua bán nợ Việt Nam còn chưa hoàn thiện, các công cụ xử lý nợ vẫn còn thô sơ và quá trình xử lý các khoản nợ tồn đọng trong nhiều năm qua còn gặp nhiều khó khăn.

Ba là, khó khăn trong bán tài sản thế chấp xử lý nợ. Các ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay. Các ngân hàng đang dồn dập bán đấu giá khoản nợ, rao bán tài sản bảo đảm. Số lượng các khoản nợ, tài sản được rao bán trong giai đoạn gần đây ngày càng tăng nhanh từ phân khúc giá trị thấp đến cao cấp với giá trị vài trăm triệu cho đến hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, việc thanh lý tài sản khó khăn. Rất nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới BĐS rao bán 10 – 20 lần vẫn "ế". Đơn cử như, VietinBank đã thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 4-5 sao, tòa nhà văn phòng quy mô hàng trăm tỷ đồng. Các tài sản này nằm ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó chủ yếu là BĐS du lịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế và TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP. Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Nội….

Một số giải pháp đề xuất

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và mức độ ổn định hệ thống ngân hàng, cần tập trung thực thi một số nhóm giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần phát triển thị trường mua bán nợ. Theo đó, cần xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ và chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; đa dạng hóa các loại hàng hóa và phương thức mua bán nợ; thông tin minh bạch về khoản nợ, về bên mua, bên bán... Đồng thời, luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả.

Thứ hai, có các giải pháp đồng bộ từ nhiều bên liên quan. Nợ xấu không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh cũng như mức độ ổn định của hệ thống NHTM Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến các chủ thể trong nền kinh tế. Do đó, giải quyết nợ xấu không chỉ là việc làm riêng của NHNN và hệ thống NHTM, mà cần có sự tham gia của toàn bộ các cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng hệ thống doanh nghiệp nói chung. Để xử lý nợ xấu trong hệ thống NHTM Việt Nam, cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều bên liên quan như: (i) Bản thân mỗi NHTM cần chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu trong điều kiện cho phép và phù hợp với tình hình thực tế của chính ngân hàng đó, có thể chấp nhận giảm lợi nhuận; (ii) Chính phủ cần cho phép một số ngân hàng trong nước hoặc ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, quản trị doanh nghiệp tốt mua lại những ngân hàng yếu kém trên cơ sở có sự hỗ trợ và kiểm soát từ phía NHNN; (iii) Giảm hoặc miễn các loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…), các thủ tục không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mua bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ hoạt động hiệu quả hơn.

Việc ứng phó trước những cú sốc từ nền kinh tế vĩ mô không chỉ đòi hỏi bản thân các NHTM Việt Nam phải tự nâng cao năng lực quản trị điều hành, duy trì một tỷ lệ vốn tự có hợp lý để chống đỡ rủi ro mà cần có sự tham gia quản lý điều tiết chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bình ổn thị trường tiền tệ, kiểm soát các biến số kinh tế vĩ mô… tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các NHTM.

Thứ ba, chú trọng vai trò của công tác quản trị rủi ro tín dụng. Các nhà quản lý NHTM có thể sử dụng chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản để làm dự báo cho nợ xấu trong tương lai; Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; Tập trung tăng trưởng quy mô bền vững như: Cung ứng vốn tín dụng một cách hợp lý nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng thể hiện ở danh mục cho vay với các ngành nghề; Tăng cường khả năng quản trị rủi ro phù hợp với quy mô tổng tài sản không ngừng tăng lên theo thời gian; Tích cực xử lý nợ xấu gắn liền với tăng trưởng tín dụng hiệu quả; Tiếp tục xử lý nhanh chóng nợ đọng bằng cách từ việc bán tài sản đảm bảo; tích cực đôn đốc thu hồi nợ từ khách hàng; giãn nợ, đánh giá lại các khoản vay để xem xét các ngành nghề và doanh nghiệp đang có vấn đề, cũng như thường xuyên cập nhật tình hình trả nợ khách hàng để có phương án xử lý kịp thời tránh bị động.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Nhà nước (2022), Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của các tổ chức tin dụng, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/hdchtctctd/tkmsctcb;
  2. IMF (2022), Báo cáo tình hình hoạt động của ngân hàng các nước ASEAN;
  3. MBS (2022), Báo cáo ngành Ngân hàng năm 2022;
  4. Đỗ Thị Dinh, Nguyễn Đức Dương (2023), Triển vọng phát triển ngân hàng số ở Việt Nam trong bối cảnh mới, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/trien-vong-phat-trien-ngan-hang-so-o-viet-nam-trong-boi-canh-moi.html;
  5. Minh Phương (2023), Nan giải xử lý, cơ cấu lại nợ xấu ngân hàng, https://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/nan-giai-xu-ly-co-cau-lai-no-xau-ngan-hang-643570.html;
  6. Thảo Nguyên (2023), Báo động nợ xấu ngân hàng, https://kinhtedothi.vn/bao-dong-no-xau-ngan-hang.html.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2023