Nợ xấu vẫn… xấu!

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Sau khi báo cáo tài chính của các ngân hàng được công bố, ngoài chỉ tiêu lợi nhuận sụt giảm thu hút sự quan tâm của dư luận còn một tâm điểm khác cũng đáng được chú ý là tỷ lệ nợ xấu ở các tổ chức này.

Vẫn chưa có gì cụ thể về kế hoạch chi tiết hay hướng xử lý những khoản nợ xấu đã được VAMC mua về. Nguồn: internet
Vẫn chưa có gì cụ thể về kế hoạch chi tiết hay hướng xử lý những khoản nợ xấu đã được VAMC mua về. Nguồn: internet

VAMC vẫn chưa giải xong bài toán nợ xấu

Giữa năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm giúp giải quyết tình trạng nợ xấu đang ngày càng… xấu đi ở các tổ chức tín dụng (TCTD). Tính đến hết ngày 31/12/2013, VAMC đã mua lại 38.900 tỉ đồng nợ xấu của 35 TCTD, trong đó có Techcombank, SHB, Maritime Bank…

Tuy nhiên điều đáng chú ý là lãnh đạo của VAMC nhấn mạnh về việc sẽ không mua nợ xấu liên quan tới Vinashin mà để Chính phủ có “cơ chế xử lý riêng”. Do vậy những khoản nợ xấu SHB bán cho VAMC không có khoản nào liên quan tới nợ của Vinashin. Vì thế, kết thúc ngày 31/12/2013, hơn 1.200 tỉ đồng nợ của Vinashin vẫn nằm trong danh mục nợ của SHB, khiến nợ xấu của ngân hàng này lên tới 4.305 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 5,63% trên tổng dư nợ (nợ xấu theo kế hoạch năm của SHB là 5%), trong đó nợ có khả năng mất vốn là 2.525 tỉ đồng.

Đây cũng là một nỗ lực đáng kể, bởi năm 2012, tỷ lệ nợ xấu của SHB ở mức 8,51% sau khi ôm khoản nợ Vinashin từ thương vụ sáp nhập Habubank. Trong quý IV, nhờ bán được một số khoản nợ cho VAMC (SHB dự tính bán hơn 1.000 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC chia làm nhiều đợt) và nhờ trái phiếu đặc biệt kỳ hạn năm năm, lãi suất 0% được NHNN phát hành qua VAMC nên nợ xấu của SHB giảm đáng kể từ 7,75% hết quý III, xuống còn 5,63%. Ngoài ra, nếu không tính tới nợ của Vinashin thì tỷ trọng nợ xấu của SHB tính đến hết năm 2013 chỉ ở mức 4%, nằm trong kế hoạch năm 2013 của ngân hàng.

Động thái mua lại nợ xấu của VAMC hiện nay mới chỉ giống như một hình thức trì hoãn giúp các ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu và có cơ hội vay vốn NHNN để tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù kết quả kinh doanh của Navibank năm 2013 khả quan hơn so với năm trước, tình trạng nợ xấu của ngân hàng lại đang ở mức báo động khi nợ xấu năm 2013 là 817,5 tỉ đồng, chiếm 6,07% tổng dư nợ cho vay, tăng so với năm 2012 (nợ xấu năm 2012: 5,64%) và vượt quá giới hạn 4,5% kế hoạch năm 2013 đề ra. Đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn của Navibank chiếm hơn 54% tỷ trọng nợ xấu, 3,25% tổng dư nợ cho vay.

Tại Techcombank và ACB, tỷ lệ nợ xấu cũng vượt quá kế hoạch năm 2013 nhưng chưa ở mức nghiêm trọng. Sau ngày 31/12/2013, tỷ lệ nợ xấu ở ACB ở mức 3,02%, vượt 0,02% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là biến động nợ có khả năng mất vốn của ACB rất bất thường trong nửa cuối 2013. Sau sáu tháng đầu năm 2013, theo báo cáo soát xét bán niên, nợ có khả năng mất vốn của ACB là 1.782 tỉ đồng, nhưng chỉ sau quí III, con số này được giảm xuống chỉ còn 487 tỉ đồng. Rồi đến hết quí IV, số lượng nợ có khả năng mất vốn của ACB lại tăng ngược lại lên tận 2.113 tỉ đồng, chiếm 65,35% nợ xấu, chiếm 1,97% tổng dư nợ cho vay.

So mức nợ xấu năm 2012 là 2,7%, nợ xấu của Techcombank năm 2013 tăng lên mức 2.566 tỉ đồng chiếm 3,65% dư nợ cho vay, vượt kế hoạch 3% của năm 2013.

CƠ CẤU NỢ XẤU BIẾN ĐỘNG TIÊU CỰC

Nợ xấu vẫn… xấu! - Ảnh 1

Tại một số ngân hàng khác, tỷ lệ nợ xấu được kiềm chế khá tốt, ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, cơ cấu nợ xấu tại các ngân hàng này lại chuyển biến theo chiều hướng đáng lo ngại. Tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn đang tăng dần ở nhiều ngân hàng. Đơn cử tại VietinBank năm 2012, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 43% nợ xấu. Kết thúc 2013, tỷ trọng này không những không giảm mà còn tăng lên tới gần 60%.

Tương tự, tại Sacombank, tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn trên tổng nợ xấu tăng từ 45% năm 2012 lên 63% năm 2013. Năm 2012, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn của Eximbank chiếm tới trên 80% nợ xấu, năm 2013 tuy có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao là 65%. Tỷ lệ này ở Vietcombank cũng tăng từ 25% năm 2012 lên tới 41% năm 2013.

Việc VAMC tăng tốc mua lại nợ xấu trong hai tháng cuối năm 2013 và dư nợ cho vay tại các ngân hàng tăng đột biến trong quí cuối năm đã góp phần thu hẹp tỷ lệ nợ xấu chung của cả hệ thống tín dụng. Nhưng thực tế cơ cấu nợ xấu như trên cho thấy tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, động thái mua lại nợ xấu của VAMC hiện nay mới chỉ giống như một hình thức trì hoãn giúp các ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu và có cơ hội vay vốn NHNN để tăng trưởng tín dụng. Còn trên thực tế, kế hoạch chi tiết hay hướng xử lý những khoản nợ xấu đã được VAMC mua về vẫn chưa có gì cụ thể.