Nói không với tín dụng đen
Để tránh trở thành nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, người dân hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn tín dụng đen và cho vay nặng lãi. Đặc biệt, không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện...
Tồn tại dai dẳng
Theo đại diện công an Quảng Nam, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ phạm tội, vi phạm pháp luật có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh và một số địa phương đã khởi tố nhiều vụ án, khởi tố bị can về hành vi “bắt, giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản” với mục đích yêu cầu trả nợ do vay mượn với lãi suất cao, không có khả năng trả nợ...
Điều đáng nói, đến nay trên địa bàn Quảng Nam đã có sự xâm nhập và mở rộng hoạt động của các băng nhóm tội phạm từ các địa phương khác, với thủ đoạn hoạt động tinh vi, như núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Để thực hiện hành vi các đối tượng tổ chức phát, dán tờ rơi quảng cáo với nội dung chào mời hấp dẫn, “cho vay tiền nhanh gọn, không thế chấp”, “cho vay nhanh, có tiền liền”... trên nhiều tuyến đường, nơi công cộng, khu vực dân cư để những người có nhu cầu dễ tiếp cận. Bởi vậy, dù cơ quan chức năng ở địa phương, trong đó chủ lực là ngành công an đã vào cuộc rất quyết liệt, song vấn nạn tín dụng đen vẫn dai dẳng, âm ỉ tồn tại.
Mới đây, công an TP. Tam Kỳ, đã triệu tập 3 đối tượng gồm: Vũ Văn Trường, Trình Sỹ Lâm, Ngô Tiến Thành, cả 3 cùng trú tại Quảng Xương (Thanh Hóa), do có liên quan đến dấu hiệu hoạt động tín dụng đen. Trước đó, khi tiến hành kiểm tra hành chính nhà trọ của 3 đối tượng tại phường An Sơn, công an TP. Tam Kỳ phát hiện nhiều tài liệu, hồ sơ nội dung thể hiện cho vay nặng lãi, theo kiểu tín dụng đen. Cụ thể, tại phòng trọ của các đối tượng có hơn 20 nghìn tờ rơi với nội dung “cho vay trả góp, giải ngân trong vòng 5 phút”, cùng nhiều loại giấy tờ tùy thân của người vay.
Tại cơ quan điều tra, cả 3 đối tượng khai nhận, mới vào Tam Kỳ từ một tháng nay để hoạt động cho vay tiền. Tờ rơi quảng cáo được rải vào ban đêm, đến khi người có nhu cầu vay gọi điện đến số điện thoại in trên tờ rơi, các đối tượng giữ giấy tờ tùy thân, làm thủ tục vay sau đó cho 20 người vay với số tiền hơn 60 triệu đồng, lãi suất lên đến 30%/tháng. Khi làm thủ tục vay, người vay tiền sẽ phải giao cho các đối tượng các loại giấy tờ tùy thân như, CMND, hộ khẩu, đăng ký hộ kinh doanh...
Trước đó, trên đường tuần tra, kiểm soát địa bàn lực lượng công an phường Trường Xuân, TP. Tam Kỳ cũng đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Chỉnh, trú Krông Nô (Đăk Nông) và Ngô Ngọc Thùy trú TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên) đang có hành vi rải tờ rơi quảng cáo với nội dung: “hỗ trợ vay vốn/nhanh, gọn, trong ngày/bảo mật tuyệt đối”. Tại hiện trường, công an đã tiến hành lập biên bản, thu giữ tang vật gồm 1 thùng giấy đựng hơn 1 nghìn tờ rơi quảng cáo, có nội dung cho vay tiền. Tại cơ quan công an, 2 đối tượng này khai nhận, để thu hút người dân vay tiền nhanh, gọn hai đối tượng đã in tờ rơi quảng cáo, kèm theo số điện thoại sau đó đi rải các khu vực trên địa bàn TP. Tam Kỳ.
Nâng cao tinh thần cảnh giác
Không chỉ tập trung tại vùng đô thị trung tâm như Tam Kỳ, thời gian gần đây vấn nạn tín dụng đen còn len lỏi về các vùng quê ở Quảng Nam. Đơn cử, như vụ việc công an Điện Bàn đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng đang rải tờ rơi cho vay trả góp theo kiểu tín dụng đen. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai là Đoàn Đình Cường và Đoàn Thanh Tùng, cùng trú tại Thanh Hóa, thuê nhà trọ ở Hội An để rải tờ rơi, tìm “con mồi”, rồi cho vay tiền với lãi suất cao ngất ngưởng. Khi bị phát hiện các đối tượng đã rải hơn 500 tờ, còn gần 1, 5 nghìn tờ chưa kịp rải thì bị bắt.
Cũng theo đại diện công an Quảng Nam, sau khi giữ giấy tờ tùy thân, giấy tờ kinh doanh của những người vay tiền, các đối tượng sẽ liên hệ với “con nợ” qua các số điện thoại mà người vay tiền cung cấp để lấy lãi mỗi ngày. Nếu không đóng tiền đúng hạn, các đối tượng này sẵn sàng đe dọa, uy hiếp, dùng các thủ đoạn khủng bố để buộc con nợ phải trả tiền cho chúng. Đến hạn, chủ nợ bắt người vay nợ phải trả tiền hoặc viết giấy vay nợ tiếp, với số tiền vay nợ lần sau là cộng cả số tiền gốc và lãi của lần vay nợ lần trước. Sau đó, trừ luôn số tiền lãi ít nhất của một tháng liền kề tiếp theo… Nếu người vay không trả đúng lịch hẹn, các đối tượng sẽ thực hiện các thủ đoạn đe dọa theo kiểu “luật rừng”, để gây sức ép, khủng bố tinh thần… buộc người vay phải gấp rút trả tiền.
Để ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen thời gian qua, các cơ quan chức năng ở địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, cảnh báo cho người dân thông qua các cuộc họp tại các khu dân cư, trên phương tiện thông tin đại chúng các phương thức, thủ đoạn và những hệ lụy của hoạt động vay, mượn tiền liên quan đến tín dụng đen.
Đồng thời, tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng nhân dân tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và phối hợp với lực lượng chức năng trong đấu tranh, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi; tiến hành tẩy xóa, tháo gỡ tờ rơi quảng cáo về hoạt động cho vay trên các tuyến đường, nơi công cộng, khu dân cư...
Tuy nhiên, trên thực tế diễn biến của hoạt động tín dụng đen ở Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác vẫn dai dẳng tồn tại, khó để ngăn chặn một cách triệt để. Bởi vậy, các cơ quan chức năng ở địa phương khuyến cáo, người dân tránh xa và nói không với “tín dụng đen”. Để tránh trở thành nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, người dân hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn tín dụng đen và cho vay nặng lãi.
Đặc biệt, không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện. Nếu có nhu cầu vay tiền cần trực tiếp đến các TCTD, ngân hàng để được hướng dẫn. Khi phát hiện những hành vi liên quan đến tín dụng đen, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được can thiệp và bảo vệ kịp thời.