Nỗi lo lãi suất gia tăng
Đó là tâm lý chung không chỉ với các chuyên gia, DN, nhà quản lý mà còn là của cả cộng đồng xã hội, khi những ngày gần đây trên thị trường, lãi suất đã có dấu hiệu “nóng” trở lại, sau gần một năm ổn định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2016 là cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2015. Song, với những diễn biến gần đây cho thấy, định hướng này xem ra đang gặp nhiều khó khăn, khi dư địa giảm lãi suất gần như không còn và áp lực đẩy lãi suất lên cao ngày một lớn.
Lý giải về điều này, ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, đang có một số tác động không thuận đối với mặt bằng lãi suất hiện nay. Đó là, với lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.
Cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011-2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ tăng mạnh trong năm 2016 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.
Trong điều kiện đó, ông Dũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh. Đồng thời, sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp, đảm bảo thanh khoản cho toàn toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
Theo NHNN, tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến ở khoảng 6-9%/năm với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3- 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005- 2006.
Mặc dù vậy, song nhiều ý kiến cho rằng, với những diễn biến trên thị trường tiền tệ gần đây cho thấy, để có được lãi suất ổn định như năm 2015 là điều không dễ. Bởi, trước đó trong báo cáo kinh tế 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng khẳng định, áp lực lãi suất đã bắt đầu có dấu hiệu kể từ 2015, do cầu về tín dụng tăng cao hơn 2014. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm cũng tăng lên từ tháng 3/2015 và chưa có dấu hiệu giảm xuống cho đến cuối năm.
Trong khi năm 2016, kinh tế được dự báo sẽ khởi sắc hơn và nhu cầu đầu tư của DN sẽ càng lớn, do mở rộng kinh doanh. Và tất nhiên, các ngân hàng đã nhìn thấy điều này, nên sẽ tìm cách bung mạnh vốn, nếu NHNN cho phép. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế thì cuộc đua lãi suất sẽ trở thành xu hướng và có hiệu ứng lan rộng đối với các TCTD, khi đó lãi suất huy động và cho sẽ bị đẩy lên cao. Nỗi lo này là có thực.
Phân tích rõ hơn về hiện tượng lãi suất huy động tăng cao trong những ngày gần đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng là do các ngân hàng muốn củng cố nguồn vốn trung và dài hạn để đảm bảo các khoản vay, khi dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN dự kiến sẽ đưa tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn/tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%. Với quy định này, các chuyên gia cho rằng, thông tư 36 dự kiến sửa đổi lần này đang hướng đến mục tiêu “siết” dòng vốn tín dụng đang cho vay BĐS để hạn chế rủi ro. Vì thế, việc tiếp cận nguồn vốn của những đối tượng này cũng sẽ bị “quản” chặt hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài những tác động của dự thảo thông tư 36 tới xu hướng tăng lãi suất, thì việc lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng cao vào điểm sau Tết Bính Thân cũng đã khiến hầu hết các NHTM đều có những chính sách, chương trình để gia tăng huy động bằng khuyến mãi, điều chỉnh lãi suất cộng thêm, với mức ưu đãi khuyến mãi chạm trần quy định. Xu hướng này đã và đang “kích hoạt” cuộc đua gia tăng lãi suất, cho dù điều này chưa được các NHTM công khai thừa nhận.
Trước thực trạng trên, để đảm bảo hoạt động SXKD của DN được thuận lợi, các chuyên gia cho rằng, việc DN chủ động tìm vốn ở các cơ hội vốn góp ngoài thị trường, từ các đối tác có tiềm lực tài chính tốt là một giải pháp. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN phải có kế hoạch kinh doanh tốt, đủ hấp dẫn mời gọi vốn. Với những DN vừa và nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng, cũng nên xem xét để có thể chấp nhận một mức lãi suất cạnh tranh, để qua đó tận dụng được cơ hội từ hội nhập sâu, tiết giảm chi phí cơ hội, đặc biệt là đầu tư vào thực chất thì xét về hiệu suất kinh doanh dài hạn của DN sẽ tốt hơn.