Phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trong năm 2016

Theo baohaiquan.vn

Trong thời gian tới, nhiều chuyên gia nhận định, tình hình tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng sẽ được đảm bảo ổn định.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo phân tích thị trườngmới đây của Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) về tình hình tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá và lãi suất niêm yết tại các ngân hàng thương mại hiện có xu hướng giảm nhẹ.

Về việc tỷ giá giảm, nguyên nhân được BVSC đưa ra là do cung ngoại tệ thời gian gần đây khá dồi dào nhờ cán cân thương mại xuất siêu trong tháng 1 (hơn 700 triệu USD) và nguồn kiều hối về nhiều (ước tính 10-12 tỷ USD cho cả năm 2015). Trong khi đó, với các quy định mới về giao dịch kỳ hạn và cơ chế tỷ giá trung tâm, nhu cầu đầu cơ, găm giữ USD đang có xu hướng giảm so với thời điểm cuối năm 2015.

Vì vậy, BVSC dự báo tỷ giá sẽ tạm thời ổn định, chưa có biến động quá lớn trong một vài tuần tới.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN),trong bài phỏng vấnđăng trênCổng thông tin của NHNN ngày 1-3, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, cách thức điều hành tỷ giá mới giúp hấp thu dần các cú sốc bên ngoài và giảm thiểu tác động đối với thị trường ngoại tệ trong nước cũng như giải tỏa tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

Chính vì vậy, các nguồn ngoại tệ vào Việt Nam, thay vì bị các tổ chức, cá nhân giữ lại với kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng mạnh, đã được bán cho các TCTD, tạo nguồn cung cho thị trường. Một lượng lớn ngoại tệ đã bị găm giữ từ cuối năm ngoái cũng dần được giải phóng sau khi NHNN áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, giúp nguồn cung ngoại tệ đã có sự cải thiện nhất định.

Nhờ đó, mặc dù nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong tháng đầu năm vẫn ở mức cao, biểu hiện là trong 3 tuần đầu tháng 1, hệ thống TCTD vẫn bán ròng ngoại tệ cho nền kinh tế nhưng việc bán ròng ngoại tệ không gây áp lực tăng tỷ giá như các giai đoạn trước mà tỷ giá vẫn giảm nhanh.

Về lãi suất, theo NHNN, tính đến cuối tháng 2-2016, lãi suất cho vay của các TCTD hiện phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015.

Tuy nhiên, ông Bùi Quốc Dũng nhận định, sang năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn.

Theo đó, lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động

Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011-2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng.

Việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 cũng tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.

Tuy nhiên, NHNN vẫn tiếp tục khẳng định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, NHNN tỏ ra lạc quan về việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016.