Nỗi lo nợ xấu ngân hàng quý I tăng vọt

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Hơn 10 ngân hàng đã công bố tình hình tài chính quý I/2014 trong những ngày gần đây, ngoài con số lợi nhuận, chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục được quan tâm đặc biệt.

Thống kê nợ xấu của 12 ngân hàng bao gồm cả 3 ông lớn BIDV, CTG, VCB và những ngân hàng cổ phần lớn khác như ACB, STB, EIB, MB cho thấy: Tổng giá trị nợ xấu đã tăng 9,5% trong quý I lên mức 40.802 tỷ đồng. Đặc biệt nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh 16% (tương đương 3.144 tỷ đồng).

NỢ XẤU NHÓM 3,4 VÀ 5 QUÝ I/2014 CỦA CÁC NGÂN HÀNG ĐÃ CÔNG BỐ

Đơn vị: tỷ đồng

Nỗi lo nợ xấu ngân hàng quý I tăng vọt - Ảnh 1

Vietinbank (CTG) dẫn đầu về tốc độ tăng nợ xấu, 67%, trong đó nợ nhóm 3 tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong quý I, tín dụng của CTG giảm 5,8% và tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,78% so với 1% hồi cuối năm 2013.

Nợ xấu của Sacombank (STB) cũng tăng 33% trong quý I lên gần 2.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 1,45% cuối năm trước lên 1,86%. 

PGBank, ngân hàng được cho là có thể trở thành một ngân hàng con của Vietinbank trong tương lai, cũng ghi nhận việc tăng mạnh nợ xấu trong quý I lên 554 tỷ đồng, tương đương 35%. Đặc biệt 318 tỷ đồng trong số này là nợ có khả năng mất vốn.

Eximbank cũng đối mặt với mức tăng trưởng nợ xấu 18% trong quý này. Trong đó chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn tăng thêm hơn 200 tỷ đồng.

Ngân hàng SHB, hết quý I, có 3.506 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 4,25% tổng dư nợ. Riêng nợ có khả năng mất vốn là 2.986 tỷ đồng. Ngoài ra, SHB còn ghi nhận 1.228 tỷ đồng nợ chờ xử lý của Vinashin. Nếu tính thêm khoản nợ này thì tỷ lệ nợ xấu của SHB là 5,75%.

ACB tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 3,02% cuối năm trước lên 3,28% trên tổng dư nợ. Nợ có khả năng mất vốn là 2.311 tỷ đồng, tăng 189 tỷ đồng so với cuối năm trước và chiếm tỷ trọng 66% trong tổng nợ xấu.

Navibank (NVB) vẫn đang "vùng vẫy" trong số nợ xấu 857 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này tại 31/3/2014, tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 6% cuối năm trước xuống còn 5,5%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 40 tỷ đồng.

Hai điểm xanh tích cực nhất trong bức tranh nợ xấu quý I thuộc về BIDV và Vietcombank.
Tổng giá trị nợ xấu của BIDV giảm 9% trong quý I, tỷ lệ nợ xấu giảm 0,2%, các con số này ở Vietcombank là 0,9% và 0,1%.

Cả hai ngân hàng này đều có xu hướng chuyển nợ xấu giữa các nhóm nợ trong quý I. Cụ thể, BIDV đã giảm 2.160 tỷ đồng nợ nhóm 3 nhưng lại tăng thêm 1.352 tỷ đồng nợ nhóm 5. Còn Vietcombank tăng 267 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn nhưng lại giảm gần 300 tỷ nợ nhóm 4.