Tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đại biểu Lê Đào An Xuân bày tỏ rằng, thực tế hiện nay rác thải nhựa đã và đang là vấn nạn lớn đối với môi trường, đặc biệt là các tỉnh ven biển. Do đó, các vị đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đạo tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đại biểu Lê Đào An Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, lượng rác thải nhựa phát sinh hằng năm khoảng 2,9 triệu tấn và chỉ có 0,77 triệu tấn được tái chế, do đó, hiện nay rác thải nhựa đã và đang là vấn nạn lớn đối với môi trường, đặc biệt là các tỉnh ven biển. Theo một nghiên cứu khác, ngành Nhựa Việt Nam tiêu thụ khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu nhựa nguyên sinh.
Theo Báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN), Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn xả ra biển nhiều nhất trên thế giới (trong số 20 quốc gia được nghiên cứu).
Đại biểu Lê Đào An Xuân phân tích, mức tiêu thụ này cao hơn nhiều so với trung bình thế giới. Theo đó, hiện nay, mức tăng trưởng ngành này khoảng 10%/năm. Đây là con số tăng trưởng đáng mơ ước với nhiều ngành sản xuất khác nhưng cũng cho thấy áp lực lớn lên môi trường từ nhựa thải nếu không có giải pháp.
Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, trong 5 năm liên tiếp từ năm 2018 đến năm 2022, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp có các văn bản chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý và thể hiện sự quyết liệt trong triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa.
Từ đó tạo ra những phong trào thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, điển hình là các cơ quan Nhà nước thay thế các chai nhựa bằng chai thủy tinh. Các chương trình truyền thông các phong trào làm sạch bờ biển cũng được triển khai rầm rộ, nhiều dự án khởi nghiệp dựa trên việc tạo ra các sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần và nhựa khó phân hủy, nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành du lịch chuyển sang cung cấp vật dụng xanh... như cách xây dựng và định vị thương hiệu.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Đào An Xuân nhấn mạnh rằng, cần nhiều giải pháp hơn nữa để xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Đại biểu tỉnh Phú Yên đề nghị các bộ, ngành thực hiện đúng và đủ các giải phải mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; đặc biệt, đại biểu này đề nghị Quốc hội chỉ đạo tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường.
Dưới góc độ của chuyên gia trong quản lý môi trường, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, các chính sách và việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu nhựa dùng một lần và nhựa khó phân hủy vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tiễn. Mặc dù, chúng ta nhắc nhiều đến phân loại, tái chế rác thải nhựa nhưng đến nay chưa có đầy đủ hướng dẫn phân loại rác thải. Công nghệ tái chế sử dụng, tái sử dụng còn rất thô sơ.
Đại biểu Đoàn Phú Yên chỉ rõ: “Chúng ta đề nghị sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế nhưng các chính sách khuyến khích sáng tạo, sản xuất, hỗ trợ sản phẩm mới thay thế chưa được hữu hiệu. Các nhà sản xuất mới còn loay hoay tìm cách sống sót giữa quá nhiều sản phẩm nhựa khó phân hủy giá rẻ. Các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú vừa và nhỏ chưa biết cách chuyển đổi sử dụng sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường".
Ngoài ra, đại biểu Lê Đào An Xuân còn cho biết, các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn sản phẩm nhựa khó phân hủy, các sản phẩm chứa vi nhựa vẫn chưa đầy đủ. Các thảo luận khuyến nghị chính sách giảm rác thải nhựa thì vẫn được các ngành thực hiện đều đặn nhưng hầu như ở dạng trao đổi hoặc hội thảo.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.