Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài - thuận lợi và rủi ro
(Taichinh) - Thị trường chứng khoán đã tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên khi Nghị định 60 của Chính phủ được ban hành, với quy định không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng. Nhưng nhiều ý kiến thận trọng vẫn cho rằng cần chú ý cả thuận lợi và rủi ro khi gỡ bỏ giới hạn này.
Điểm khác biệt lớn tại Nghị định 60 so với Nghị định 58 trước đây của Chính phủ là đã không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, ngoại trừ các cam kết quốc tế của Việt Nam khi hội nhập và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế tại các công ty đại chúng, trừ trường hợp quy định khác trong Điều lệ công ty.
Tại buổi họp báo định kỳ quý II.2015 của Bộ Tài chính, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Thành Long cho biết, nhà đầu tư nước ngoài nếu đáp ứng được các điều kiện để tham gia góp vốn thành lập, mua để sở hữu 100% vốn của công ty chứng khoán hay định chế trung gian đã được quy định tại khoản 10, Điều 71, Nghị định 58 của Chính phủ, thì có thể thực hiện ngay việc nâng mức sở hữu đến 100% vốn mà không phải chờ văn bản hướng dẫn.
Đối với những trường hợp không đáp ứng được các điều kiện đã quy định hoặc là nhà đầu tư cá nhân, thì sẽ được sở hữu dưới 51%, cao hơn giới hạn hiện nay (không quá 49% vốn của công ty) – ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.
Các nhà đầu tư này cũng có nhiều cơ hội sở hữu cổ phần của công ty đại chúng, vì khái niệm nhà đầu tư nước ngoài đã được mở rộng. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% vốn tại công ty đại chúng ở nước ta không chỉ là nhà đầu tư chiến lược, mà mở rộng đến cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện đầu tư, kinh doanh tại nước ta.
Và với các ngành nghề có điều kiện chưa có quy định cụ thể giới hạn sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài, thì cũng không phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2014, vì sẽ áp dụng tạm thời tỷ lệ sở hữu tối đa là 49%.
Như vậy, ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định, thì tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài chỉ phụ thuộc vào quyết định của đại hội cổ đông công ty đại chúng.
Tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp kinh doanh trong những ngành nghề có điều kiện sẽ được thay đổi khi văn bản hướng dẫn ban hành, song không phải nhà đầu tư nước ngoài chưa được góp vốn thành lập, hay mua cổ phần tại những đơn vị này.
Theo Phó giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Đàm Ngọc Bích, việc mở cửa sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài này chỉ là điều kiện cần, chưa thể bảo đảm vốn đầu tư sẽ vào doanh nghiệp ồ ạt. Bởi quy mô của doanh nghiệp phải lớn mới thu hút được nhà đầu tư, hay phải có lợi thế đặc biệt trong lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đặc biệt là, kết quả kinh doanh trong một thời gian dài phải luôn ở mức tích cực, nếu không thì giới hạn sở hữu vốn có được nới rộng đến kịch trần cũng chưa chắc đã thu hút nguồn vốn mới.
Nhưng có thể thấy, tác động của quy định này đối với doanh nghiệp không phải là quan tâm lớn của các chuyên gia. Điều được chú ý hơn cả là tác động tích cực, cũng như rủi ro của chính sách mở room sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với cả nền kinh tế.
Tác động tích cực thì dễ thấy, vì doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có thêm cơ hội huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lượng vốn này không phải là cái còng đè nặng trên lưng họ như khi vay vốn của ngân hàng.
Không gian vốn rộng rãi hơn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nỗ lực thực hiện chiến lược kinh doanh, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nội địa giảm – chủ yếu do thu thuế từ các doanh nghiệp giảm, thì mỗi dấu hiệu tích cực từ các đơn vị sẽ tác động nhiều đến thu ngân sách, cũng như bức tranh kinh tế của cả nước.
Song kinh nghiệm cho thấy, nếu thị trường chứng khoán của một quốc gia lệ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, thì sẽ phải chịu hệ quả nặng nề khi họ ồ ạt rút vốn ra.
Điều này đã được chứng minh trong khủng hoảng tài chính thế giới năm 1998, xuất phát từ một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Thành Long cho rằng, từ khi có thị trường chứng khoán, thì lượng vốn đầu tư gián tiếp vào nước ta liên tục tăng và đến nay đã đạt trên 12 tỷ USD.
Nguồn vốn này đã có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, cũng như nền kinh tế nước ta. Để ngăn chặn rủi ro khi tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài được xóa bỏ, thì cần cơ chế giám sát dòng vốn chặt chẽ và nâng cao năng lực quản trị rủi ro – ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.