Nới room: Sức nóng từ chính sách

PV tổng hợp

(Taichinh) - Tiếp sức cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2015 đó chính là sự ra đời của Nghị định số 60/2015/NĐ-CP. Những quy định cụ thể về nới room là bước đi tích cực đối với thị trường sau nhiều năm chờ đợi, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu ứng mạnh mẽ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cú hích lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam

“Nới room” có lẽ là hai từ được nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước mong mỏi từ nhiều năm nay. Việc mở room cho các nhà đầu tư ngoại chính là một trong những chính sách thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đầu tư vào TTCK. Đây cũng là định hướng được Chính phủ theo đuổi suốt thời gian qua, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế (WTO).

Hiện nay, Việt Nam có 91 triệu dân, nhưng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán chỉ khoảng 46 tỷ USD, tương đương 25% GDP. Trong khi đó, Philippines, với 99 triệu dân, vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 184 tỷ USD, tương đương 65% GDP của nước này; Thái Lan, với 69 triệu dân, vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 418 tỷ USD, tương đương 112% GDP của nước này; Singapore với 5 triệu dân, mức vốn hóa của TTCK khoảng 415 tỷ USD…

Với quy mô của thị trường chứng khoán còn khiêm tốn như trên, thị trường chứng khoán hiện tại của Việt Nam sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa. Tổng giá trị các DNNN sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015, không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, mà còn thúc đẩy quá trình cổ phần hóa mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai diễn ra nhanh hơn, đạt hiệu quả tích cực hơn.

“Khi Nghị định 60/2015 có hiệu lực, thông qua cơ chế nới room, hy vọng thời gian tới nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường các hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam…”, Bộ trưởng nói.

Còn theo đánh giá của Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, trong năm 2015, một trong những ưu tiên của UBCK là tập trung cải cách nền tảng pháp lý để thu hút hiệu quả hơn các dòng vốn đầu tư tham gia thị trường, nhất là dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Các giải pháp mới sẽ tác động lớn tới thanh khoản thị trường nói chung và tác động tích cực hơn tới hoạt động của các CTCK. Qua đó, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ thuận lợi hơn cho thị trường chứng khoán.

Cơ hội lan tỏa cho nhà đầu tư nước ngoài

Nới room là câu chuyện được thị trường, giới đầu tư trong và ngoài nước chờ đợi từ nhiều năm nay. Việc Chính phủ vừa cho phép nới room sẽ có tác động tích cực đến TTCK cả về trước mắt và dài hạn.

Một nội dung quan trọng được nhiều nhà đầu tư quan tâm là tỷ lệ nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam đối với hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều không giới hạn và có thể lên tới 100.

Liên quan đến một nội dung mà thị trường, giới đầu tư đang quan tâm là tỷ lệ nới room đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể ra sao?

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, với những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa áp dụng đối với NĐT nước ngoài, thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cam kết mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tỷ lệ sở hữu áp dụng đối với NĐT nước ngoài tuân thủ theo nội dung cam kết.

Với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì việc nới room phải thỏa mãn các điều kiện đặt ra. Còn lại những ngành nghề, lĩnh vực mà không có quy định khống chế về tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài, thì mở room tối đa; trong đó, tỷ lệ room áp dụng đối với NĐT nước ngoài sẽ do các DN tự quyết định.

Theo phân tích của Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Công ty Dragon Capital thì: Giả sử trước kia, khi đi huy động vốn, nhà đầu tư yêu cầu chúng tôi lên danh mục đầu tư để có thể giải ngân 500 triệu USD trong vòng 1 -2 năm, chúng tôi cũng cố gắng đưa ra, nhưng không chắc chắn về mặt thời gian vì phải chờ mở room hay chờ doanh nghiệp lên sàn… Do vậy, không có cơ sở để những quỹ lớn bỏ tiền vào. Chúng tôi chỉ kiếm được những quỹ quy mô khoảng 100-150 triệu USD. Chính vì thế những quy định cụ thể của Nghị định này đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng giám đốc CTCK Thiên Việt (TVS)): Hiện nay, trong số hơn 600 DN đang niêm yết trên hai sở GDCK hiện tại, số lượng cổ phiếu tốt, chất lượng cao không nhiều và đã kín room với NĐT ngoại, nên phần nào cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. Do đó, khi quyết định nới room có hiệu lực, sẽ có nhiều món ngon hơn để các NĐT nước ngoài lựa chọn.

Tác động của việc nới room đến các nhóm ngành trên TTCK sẽ khác nhau. Với các DN cổ phần hình thành từ cổ phần hóa, nếu cổ đông Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần, mà không sớm thoái bớt, trong khi nếu đây là những cổ phiếu NĐT nước ngoài có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu, thì hiệu ứng tác động của nới room sẽ hạn chế.

Tương tự, với những công ty, hoặc nhóm công ty mang tính chất gia đình, nếu họ tiếp tục muốn tăng tỷ lệ sở hữu, chứ không phải bán bớt cổ phiếu, thì cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu với NĐT ngoại cũng gặp khó khăn.

Với các DN cổ phần tư nhân hoạt động trong những lĩnh vực tiềm năng mà NĐT nước ngoài quan tâm, nếu chủ DN sẵn sàng mở cửa để đón nhận nhân tố nước ngoài xuất hiện nhằm nâng cao chất lượng quản trị, cải thiện năng lực về vốn, công nghệ…, thì nhóm DN này có thể tạo hiệu ứng rất tích cực từ động thái nới room.

Việc nới room sẽ tác động hai chiều các DN, trong đó có nhóm ngành dịch vụ chứng khoán, đặc biệt là dịch vụ tư vấn mua bán, sáp nhập. Còn nhiều vấn đề phải được giải quyết để NĐT nước ngoài có thể sở hữu đến 100% các công ty niêm yết, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu tài sản là bất động sản…

Còn Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên CTCK Kỹ thương (TCS) nhận định: Việc nới room sẽ mở ra nhiều cơ hội M&A. Trong trung và dài hạn, việc nới room sẽ mở ra nhiều cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) cho các NĐT nước ngoài muốn tham gia đầu tư vào các ngành nghề tiềm năng của Việt Nam. Việc nới room sẽ mở rộng đối tượng đầu tư và mang lại thêm cho chính các DN nhiều cơ hội hợp tác với nhiều NĐT tiềm năng khác.

Tương tự như các nhóm ngành, lĩnh vực khác, việc nới room sẽ đặt nhóm ngành dịch vụ chứng khoán đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh hơn, nhưng yếu tố tích cực là thị trường và NĐT sẽ có cơ hội sử dụng các dịch vụ đa dạng, có chất lượng tốt hơn.