Nói và làm: Cảnh giác, sợ hãi trước cơ hội?
(Tài chính) Nhận định về kinh tế 2014, các kinh tế gia cho rằng, nhìn dưới mọi góc độ, rất khó có một sự hứng khởi cao độ, dường như tất cả vẫn đang còn ngập ngừng và cảnh giác sau đòn khủng hoảng.
Doanh nghiệp (DN) được cho là "nhân vật trung tâm", là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhưng đến nay, đối tượng này vẫn chưa hồi phục.
Số lượng DN thành lập mới tuy đã có dấu hiệu cải thiện trong những tháng cuối năm 2013, nhưng số lượng dừng hoạt động vẫn cao.
Tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới cũng giảm so với trước. DN nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số DN vừa qua phải đối mặt với kinh tế suy giảm, lãi suất cao, lạm phát cao, không tiếp cận được thị trường, vì vậy phải hứng chịu tồn kho cao, giảm sản xuất.
Nhận định về sự phát triển trong năm 2014, các kinh tế gia cho rằng, cơ hội kinh doanh đã giảm đi rất nhiều vì tiêu dùng vẫn co lại, đầu tư bị thu hẹp rất mạnh, thị trường xuất khẩu chưa sáng sủa, bởi sự hồi phục kinh tế thế giới vẫn còn chậm. Tổng cầu đã giảm mạnh thì cơ hội kinh doanh tất yếu phải giảm theo.
Theo TS. Trần Du Lịch, cùng với đó, việc tiếp cận tín dụng của các DN đến nay vẫn rất khó, nguyên nhân là do nợ xấu nên không thể vay được vốn từ ngân hàng. Những vấn đề lớn mang ý nghĩa về mặt thị trường như tăng mạnh tổng cầu, sức mua, đầu tư, khả năng hấp thụ vốn… chưa thể xuất hiện rầm rộ trong 2014 và sẽ còn mất nhiều thời gian để giải quyết, nhận định.
Ông Đậu Anh Tuấn, Quyền Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, điều tôi có cảm nhận rõ nhất có lẽ là chưa có lúc nào trong giai đoạn từ năm 2000 trở lại đây, tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp lại xuống đến vậy. Đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam.
“Tôi cho rằng đây là điều đáng lo ngại vì chính DN là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước”, ông Tuấn nói.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Mại, tinh thần kinh doanh không được hỗ trợ như trước, niềm tin chưa được lấy lại thì người dân vẫn găm giữ nguồn lực và như vậy kinh tế khó tìm thấy sự tăng trưởng ngoạn mục.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014 sẽ ở mức 3,2%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 2,4% năm 2013 và sẽ tiếp tục lên mức 3,4% và 3,5% trong các năm 2015 và 2016.
Tuy nhiên, tăng trưởng tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ giữ mức 7,2% trong năm 2014, rồi giảm nhẹ đôi chút xuống 7,1% vào năm 2015 và 2016. WB cho rằng, mức tăng trưởng này kém hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng, nhưng phù hợp với tiềm năng khu vực.
Với xu thế như vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được WB dự báo sẽ ổn định ở mức 5,4% -5,5% trong các năm từ 2014-2016. Điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Việt Nam sẽ “đi ngang” trong 3 năm tới. Dự báo này khác với nhận định của Chính phủ, năm 2014 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,8%, còn năm 2015 là 6%.
Phần lớn các dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong vài tháng trở lại đây cũng đều đưa ra những con số tương tự như của WB. Các chuyên gia cho rằng thách thức đối với quá trình chuyển đổi của Việt Nam hiện nay chính là phải đối mặt với quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
"DN nhà nước như ô tô lặc lè đi trước thì không ai có thể vượt lên được”, Luật sư Trần Hữu Huỳnh nhận xét.
Trong khi khối DN tư nhân đang ngày một phát triển hơn, cạnh tranh hơn và theo đó đang dần theo hướng quản trị DN hiện đại, thì DN nhà nước vẫn nắm khối tài sản khổng lồ, một vị thế chi phối rất nhiều và nhiều chính sách khác biệt.
Tiếp đến là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, làm cho hoạt động ngân hàng trở nên lành mạnh, minh bạch hơn qua đó góp phần giải quyết nợ xấu, giúp cho tín dụng khơi thông, giải pháp đã có đủ và được đưa ra từ lâu, nhưng không dễ gì làm nhanh, làm gọn được.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, đáng ra nếu thực hiện nhanh các giải pháp trên thì đến 2014 sẽ bắt đầu phát huy tác dụng, kinh tế chắc chắn sẽ đi lên, nhưng thực hiện chậm chạp nên chưa thể tạo ra nền tảng, tiền đề cho phát triển.
Nói tóm lại, năm 2014 những cơ hội đã có nhưng vẫn còn những sự cảnh giác, ngập ngừng nên khó có thể kỳ vọng một sự khởi sắc mang ý nghĩa bước ngoặt. Điều kỳ vọng nhất là 2014, với những thế và đà đã có, 2014 sẽ đặt nền tảng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.