Nóng bỏng thu hút nhân sự ngân hàng
Nhìn vào kết quả kinh doanh và những dự báo khả quan trong năm 2018 có thể thấy việc các ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự là không bất ngờ.
Thực tế, việc tuyển dụng nhân sự ngành ngân hàng hiện nay không còn theo yếu tố vụ mùa như trước đây, mà các ngân hàng thực hiện tuyển dụng quanh năm. Nhiều ngân hàng bên cạnh tuyển nhân sự chính thức còn tuyển thêm lượng lớn cộng tác viên để nhanh chóng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần…
Động lực từ kế hoạch kinh doanh
Kết thúc quý I, các ngân hàng đua nhau công bố kết quả kinh doanh với những con số lợi nhuận ấn tượng. Nhiều nhà băng báo lãi kỷ lục và vượt kế hoạch từ hàng chục phần trăm tới cả trăm phần trăm. Thậm chí, nhiều ngân hàng có mức lợi nhuận quý I đạt gần bằng cả năm.
Vì vậy, nhiều ngân hàng lên kế hoạch mở rộng mạng lưới và đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, VIB, VPBank, Sacombank, SeABank, HDBank… đã đăng tin tuyển dụng nhiều nhân sự cho các vị trí từ giám đốc/phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch; trưởng phòng/bộ phận kinh doanh; giao dịch viên cùng các vị trí chuyên viên trong các mảng quan hệ khách hàng, kinh doanh thẻ, tiếp thị sản phẩm ngoại hối, công nghệ thông tin…
Chẳng hạn, VietBank hiện đang có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm nhân sự tại 11 tỉnh, thành trên cả nước. Hay ACB đang tuyển 900 người… từ nay đến cuối tháng 7.
Lãnh đạo các nhà băng này cho hay, việc tuyển dụng nhằm triển khai kế hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh trong năm 2018.
Khảo sát cho thấy, hiện nay, vị trí có nhu cầu tuyển dụng nhân sự nhiều nhất tập trung vào mảng tài chính tiêu dùng – được xem là mảng kinh doanh chiến lược của các nhà băng hiện nay.
Cụ thể, trong năm 2017, HDBank tuyển thêm 2.600 nhân viên, nâng số nhân sự lên hơn 13.700 người, trong đó hơn 60% nhân sự tuyển thêm làm việc tại công ty con HD Saison.
MBBank tăng thêm 2.438 nhân viên, tương ứng với 23% so với hồi tháng 1/2017. Trong đó, nhân sự của ngân hàng mẹ chỉ tăng 243 nhân viên; 2.195 nhân sự tuyển thêm còn lại nằm ở các công ty con, trong đó chủ yếu là MCredit và MB Ageas.
Còn VPBank tuyển thêm gần 6.500 nhân sự trong năm 2017, nâng số lượng cán bộ, nhân viên của nhà băng này lên tới 23.879 người.
Trong đó, số nhân viên tăng thêm ở ngân hàng mẹ là hơn 2.100 nhân viên, hơn 4.300 nhân sự tuyển thêm còn lại là ở 2 công ty con, chủ yếu là Fe Credit.
Hiện nay, ba ngân hàng này vẫn đang tiếp tục tuyển dụng nhân sự ở nhiều vị trí cho các chi nhánh ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Đánh giá về động thái tuyển dụng nhân sự liên tục ở các ngân hàng hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, vài năm gần đây, ngành ngân hàng có những khởi sắc vượt bậc, hoạt động kinh doanh không ngừng mở rộng. Đặc biệt, việc chú trọng đẩy mạnh mảng bán lẻ khiến nhu cầu tuyển dụng của ngành ngân hàng được dự đoán sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Nhu cầu tuyển dụng sẽ còn tăng cao
Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng, cho rằng dù số lượng nhân sự ở mỗi ngân hàng tăng thêm hàng nghìn người, song so với nhu cầu phát triển của ngành ngân hàng hiện nay thì con số này vẫn chưa thấm tháp gì. "Số lượng nhân sự làm trong lĩnh vực ngân hàng mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lao động của toàn bộ nền kinh tế", ông Lực nói.
Thực tế, việc tuyển dụng nhân sự ngành ngân hàng hiện nay không còn theo yếu tố vụ mùa như trước đây, mà các ngân hàng thực hiện tuyển dụng quanh năm. Nhiều ngân hàng bên cạnh tuyển nhân sự chính thức còn tuyển thêm lượng lớn cộng tác viên để nhanh chóng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần… Song, phần lớn những vị trí được tuyển là cho bộ phận bán hàng, bán lẻ.
Ngoài ra, một yếu tố nữa là do biến động nhân sự ở ngân hàng thường cao hơn nhiều so với các ngành khác. Với đặc thù công việc đòi hỏi sự khéo léo trong giao tiếp, áp lực doanh thu cao khiến một phần lớn lao động vào rồi lại nghỉ việc do không đáp ứng yêu cầu khiến các nhà băng khó chủ động trong việc bổ sung người mới.
Vì vậy, nhiều ngân hàng có khi nhu cầu chỉ là một nhưng tuyển lên gấp đôi để sàng lọc dần và bù đắp vào số lượng nhân sự hao hụt sau thời gian thử việc.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, các nhà băng hiện đang dần áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động ngân hàng sẽ tác động lớn tới thị trường lao động trong lĩnh vực ngân hàng. Do việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 nên các ngân hàng giảm bớt số lượng nhân viên. Việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh sẽ dần chấm dứt, do chi phí hoạt động cao, thay vào đó là công nghệ ngân hàng hiện đại.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, tác động của công nghệ 4.0 đến hệ thống ngân hàng không thể một sớm một chiều, mà cần rất nhiều thời gian. Hơn nữa, kể cả khi áp dụng công nghệ 4.0, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng. Vì vậy trước mắt, để tăng sức cạnh tranh, các ngân hàng vẫn phải sử dụng nguồn nhân lực trực tiếp là con người.