Biến động nhân sự ngành ngân hàng
Xu hướng kinh doanh của các ông bà chủ ngành ngân hàng ngày nay đã có chiều hướng thay đổi. Thế nên, năm 2018 nhân sự lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng cũng có sự chuyển động sao cho vừa “khớp” với tiêu chí của HĐQT, vừa phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng đã bắt đầu khởi động vào đầu tuần này với đại hội của VPBank. Năm nay nhiều ngân hàng rục rịch thay đổi nhân sự, những gương mặt lão làng trong giới ngân hàng rút dần nhường lại vị trí cho người mới.
Xu hướng chung các ngân hàng năm nay đều chọn những nhân sự trẻ vào ban điều hành, đơn cử ông Trần Ngọc Tâm được NamABank đặt vào vị trí Tổng giám đốc ở tuổi 45. Tại Kien Long Bank, mới đây cổ đông cũng được tiếp nhận thông tin bà Trần Tuấn Anh giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc ở tuổi 42.
Thứ nhất, với những ngân hàng có định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ, dịch vụ tốt, những năm qua đã tích cực triển khai đề án tái cơ cấu theo chủ trương chung của ngân hàng Nhà nước và đã đạt được một số thành công nhất định trong giai đoạn một. Bước qua giai đoạn 2, khối ngân hàng này phải tiếp tục đẩy mạnh dự án tái cấu trúc bộ máy và đã bước đầu thành công trong việc phân định hoạt động của hệ thống thành 3 lĩnh vực chính là kinh doanh, giám sát và hỗ trợ. Nền tảng đó đã giúp ngân hàng đạt được một số thành tích đáng ghi nhận trong hoạt động kinh doanh của năm 2017.
Thứ hai, đối với những ngân hàng đang bị vướng vào quy định từ ngày 15/1/2018 chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của TCTD không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác thì việc thay đổi là cần thiết. Hiện có rất nhiều lãnh đạo ngân hàng đang trong tình thế ấy buộc phải tuân thủ quy định và có lựa chọn thay đổi cho chính mình.
Thêm nữa, hiện nay chính những người chủ trong lĩnh vực tài chính cũng có sự thay đổi lớn, sự chuyển giao quyền lực một phần tác động vào vị trí người điều hành. Các ông chủ, bà chủ ngân hàng mới cũng luôn phải toan tính cẩn trọng với từng vị trí bổ nhiệm người điều hành sao cho có lợi nhất với bản thân họ cũng như cổ đông khác và còn phải phù hợp với định hướng của ngân hàng. Một chuyên gia cố vấn tài chính thì làm gì cũng phải có “band”, nên ông bà chủ ngân hàng thay đổi thì người điều hành cũng phải cùng chung chí hướng.
Một tổng giám đốc ngân hàng đã giải nghệ cho biết, có nhiều nguyên do khiến vị trí tổng giám đốc bị thay đổi trong thời gian gần đây như đã lớn tuổi hoặc chuyển sang lĩnh vực khác hoạt động. Bên cạnh đó không loại trừ, lý do cá nhân, theo luật quy định, thay đổi chiến lược kinh doanh… Sự thay đổi này sẽ không gây ra xáo trộn trên thị trường tài chính vì thay đổi người cũng là một chiến lược điều hành của giới chủ nhà băng.
Chẳng hạn, cổ đông sẽ thấy rằng nhiều ngân hàng khi chuyển hướng kinh doanh sang hình thức bán lẻ họ cần người trẻ điều hành. Vì chỉ có người trẻ mới bắt kịp xu hướng cũng như linh hoạt trong các chiến lược vận hành. Thông thường, họ sẽ cất nhắc những người đang nắm giữ vị trí chuyên môn là kinh doanh lên làm lãnh đạo. Ngược lại, với những ngân hàng cần phát triển theo hướng bền vững, ổn định hệ thống thì sẽ chọn những người từng kinh qua các vị trí quản trị, kiểm soát…
Ở một khía cạnh khác, nhiều ông bà chủ ngân hàng muốn vươn dài cánh tay thì tìm cách hút người từ ngân hàng khác qua với chính sách đãi ngộ cao. Bởi tại thị trường Việt Nam, uy tín cá nhân vẫn được tận dụng tốt. Nhiều khách hàng đến với ngân hàng không phải vì uy tín của NH đó mà vì uy tín của người lãnh đạo tại ngân hàng. Thế nên mới có chuyện, một người lãnh đạo nhảy việc thì ngân hàng cũ sẽ mất đi một lượng khách hàng đáng kể, thậm chí mất cả nhân viên có chuyên môn cao.
Từ những lý do có được, vị cựu tổng giám đốc trên cho rằng, sắp tới đây, cổ đông có thể nghe thêm nhiều thông tin dịch chuyển lãnh đạo ngân hàng nhưng điều đó với cổ đông là bình thường. Bất thường chỉ xảy ra đối với ông bà chủ ngành ngân hàng nếu không có chiến lược thông minh nhất để giải quyết vấn đề nhân sự cấp cao.
Theo đó, người làm chủ cần phải có quy trình đào tạo, nuôi dưỡng, phát hiện và giữ được nhân tài một cách bài bản. Có như thế thì ngân hàng mới có thể thoát khỏi vòng xoáy lòng vòng dịch chuyển như hiện nay và bản thân các ngân hàng cũng có sự chuẩn bị tốt hơn về nhân sự đúng theo chiến lược mà họ xây dựng…