Sau Tết, các ngân hàng ồ ạt tuyển quân

Theo Ngô Minh/vneconomy.vn

Để đáp ứng hoạt động kinh doanh trong năm 2018, ngay từ đầu năm nhân sự của các ngân hàng đã có những chuyển động đáng chú ý.

Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng vẫn rất lớn. Nguồn: Internet
Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng vẫn rất lớn. Nguồn: Internet

Năm 2018 mới chỉ đi qua được gần 2 tháng nhưng số lượng ngân hàng công bố tuyển dụng nhân sự ngày một tăng lên, với mức tuyển từ vài chục đến vài nghìn nhân viên ngay từ đầu năm.

Nhân sự mới trải đều ở nhiều vị trí

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, Nam A Bank có thông tin gây "sốc" thị trường khi công bố tuyển dụng tới 1.000 nhân sự trong năm 2018. 

Trong số nhân sự có nhu cầu tuyển dụng mới được Nam A Bank nhắm đến các vị trí: giám đốc/phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch; trưởng phòng/bộ phận kinh doanh; giao dịch viên cùng các vị trí chuyên viên trong các mảng quan hệ khách hàng, kinh doanh thẻ, tiếp thị sản phẩm ngoại hối, công nghệ thông tin... 

Được biết, trong quý 3/2017, ngân hàng này cũng đã tuyển dụng mới 500 nhân sự cho nhiều vị trí.

Cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngay từ đầu năm, hàng loạt ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, VIB, VPBank, Sacombank, SeaABank, HDBank... cũng đã đăng tin tuyển dụng vài chục, đến vài trăm nhân sự cho nhiều vị trí. 

Ví như: Sacombank công bố tuyển dụng nhiều hàng trăm nhân viên mới cho bộ phận kế toán, chuyên viên tín dụng, chuyên viên khách hàng, chuyên viên phát triển sản phẩm, chuyên viên kinh doanh thẻ...; VIB cũng công bố tuyển dụng các nhân viên cho các vị trí như: giao dịch viên, quản lý khách hàng cao cấp, chuyên viên thu hồi nợ, trưởng nhóm xử lý nợ xấu, chuyên viên dịch vụ khách hàng... cho các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc; VPBank cũng công bố tuyển dụng hàng trăm nhân viên cho các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc ngay từ đầu năm 2018...

Không chỉ tuyển dụng nhân sự mới cho các chi nhánh, phòng giao dịch hay các bộ phận chuyên môn tại hội sở, ngay từ đầu năm nhiều ngân hàng cũng công bố thay đổi vị trí: thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc... 

Có thể kể đến trường hợp của Kienlongbank. Cuối tuần qua (ngày 24/2), Hội đồng quản trị của Kienlongbank đã công bố quyết định bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Kienlongbank giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc ngân hàng thay cho ông Võ Văn Châu.

Trước đó, Sacomabank cũng thông báo tại đại hội cổ đông thường niên tới đây sẽ bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2021. 

Tương tự, Eximbank cũng dự kiến bầu thêm hai thành viên Hội đồng quản trị trong kỳ họp đại hội cổ đông tổ chức vào cuối tháng 4 tới đây.

Nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc nhiều ngân hàng tuyển dụng mạnh nhân sự ngay từ đầu năm không thực sự bất ngờ nều nhìn vào kết quả kinh doanh của toàn ngành trong năm 2017 và những dự báo thuận lợi cho năm 2018. 

Với nhu cầu tuyển dụng tới 1.000 nhân viên mới, ông Nguyễn Lương Hiếu, Trưởng phòng Nhân sự và Đào tạo Nam A Bank cho biết, việc tuyển dụng số lượng lớn là nhằm phục vụ cho việc mở rộng quy mô và phát triển kinh doanh của ngân hàng trong năm 2018.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhân sự ngân hàng, đặc biệt là nhân sự cấp cao sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới. 

Lý giải cho nhận định này, ông Hiếu cho biết, đó là những tác động từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 sẽ tạo ra sự dịch chuyển lớn đối với nhân sự cấp cao của nhiều ngân hàng. 

Bởi theo quy định của luật thì lãnh đạo cấp cao ngân hàng sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp khác, cụ thể: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Với sự phục hồi của nền kinh tế, lĩnh vực ngân hàng cũng đang bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, dù số lượng nhân lực trong ngành tài chính ngân hàng trong năm qua tăng nhanh nhưng với sự phát triển của ngành ngân hàng hiện nay thì nhu cầu nhân sự vẫn rất lớn. 

Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng nhân sự làm trong lĩnh vực ngân hàng mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Đánh giá của giới chuyên môn khá sát với diễn biến thực tế thị trường. Bởi kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của ngành ngân hàng được Vụ Dự báo, thống kê - Ngân hàng Nhà nước công bố hồi đầu năm cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng trong năm 2018 là rất lớn. 

Cụ thể, trong năm 2017, với 52,1% tổ chức tín dụng cho biết đã tuyển thêm lao động trong quý IV/2017 nhưng vẫn có 25,3% tổ chức tín dụng nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại. 

Với nhu cầu đó, cùng với việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm 2018, có tới 52,1% tổ chức tín dụng lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động ngay trong quý I/2018 và có tới 68,7% tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tăng số lao động trong cả năm 2018.