Nóng chuyện thoái vốn
Câu chuyện thoái vốn đang được quan tâm đặc biệt sau những chỉ đạo quyết liệt vừa mang tính nguyên tắc cao, vừa cụ thể của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Chuyện gần, chuyện xa của thoái vốn đang đặt cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều sự lựa chọn sống còn khi sức nóng từ các thỏa ước thương mại ngày càng lan tỏa.
Câu chuyện “của đau con xót”
Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, 8 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thoái vốn được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng. Thế nhưng so với số tiền thoái vốn được trông đợi của cả năm 2016 là khoảng 14.500 tỷ đồng thì số tiền trên là quá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài chính (Bộ Tài chính) - cho rằng, câu chuyện “của đau con xót” đã trở thành một nguyên nhân khó bỏ qua khi xem xét câu chuyện thoái vốn của các doanh nghiệp (DN) trong diện phải thoái.
Theo ông Độ, các DN trước đây ném tiền đầu tư vào ngân hàng, bất động sản giờ phải chứng kiến giá cổ phiếu, giá dự án đi xuống hoặc trở về đúng giá trị thực. Nhiều DN cố nấn ná để chờ giá lên hoặc phục hồi ở mức nào đó với hy vọng gỡ gạc chút ít về vốn đã làm chậm tiến trình thoái vốn.
Tại nhiều cuộc họp công bố các báo cáo cập nhật kinh tế thế giới và khu vực, liên quan đến Việt Nam, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng châu Á (ADB) đều khuyến cáo, đã đến lúc các DN Việt Nam không thể trì hoãn việc thoái vốn nếu như muốn tăng khả năng cạnh tranh xét về ngắn hạn và có được một chỗ đứng trên thị trường trong dài hạn.
Nhưng DN nhỏ và DN lớn ai sẽ đặt chân trước trong tiến trình thoái vốn? Theo một số chuyên gia kinh tế, nên để các DN “yếu” thoái trước, doanh nghiệp “khỏe” thoái sau. Lời khuyên này cũng được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ.
Ông Tiến cho rằng, với các DN “khỏe” như Vinamilk, Sabeco, Habeco, phải kêu gọi cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia, vì giá trị “khủng” khiến các nhà đầu tư trong nước khó “kham” được. “Những ông lớn này phải thoái vốn dần dần để thị trường hấp thụ được và thăm dò thị trường, bảo đảm lợi ích nhà nước thu được cao nhất” - ông Tiến nói.
Câu chuyện mua bán và đấu giá khách sạn Kim Liên mới đây đã cho thấy một khía cạnh khác của câu chuyện thoái vốn xét về cả xa lẫn gần. Được chào bán với giá 112 tỷ đồng, thế nhưng người thắng cuộc trong trận chiến đấu giá khu đất mà khách sạn Kim Liên tọa lạc đã phải bỏ ra trên 1.000 tỷ đồng để có được quyền sử dụng sở hữu khu đất này. Lâu nay quyền được thuê đất vì lý do nào đó vô tình hay hữu ý, nhiều trường hợp đã không được tính vào tài sản DN khi thoái vốn. Như vậy phần địa tô chênh lệch, một khoản tiền rất đáng kể đã bị mất đi trong giá trị cổ phần hóa DN.
Về đâu các thương hiệu lớn?
Điểm yếu cố hữu của nhiều DN Việt Nam kể cả DN lớn là nhiều trường hợp đổ mồ hôi, sôi nước mắt có được một thương hiệu, thế nhưng khi tính toán giá trị DN thì việc cân đo giá trị của thương hiệu lại bị khuất lấp, thậm chí là bị bỏ qua giữa bề bộn vấn đề trước khi lên đường thoái vốn.
Câu chuyện của Hà Nội mới đây có thể xem là một ví dụ điển hình. Là trung tâm kinh tế của đất nước, những thương hiệu lớn mà công nghiệp và thương mại Hà Nội có được không chỉ của riêng Hà Nội mà còn là của kinh tế cả nước. Theo kế hoạch sắp xếp lại “đội hình” DN nhà nước của Hà Nội công bố tại Văn bản 5318/UBND-KT ngày 13/9/2016 của UBND TP. Hà Nội, thành phố sẽ cổ phần hóa 16 DN 100% vốn nhà nước. Bên cạnh đó theo Kế hoạch số 168/KH-UBND, Hà Nội sẽ thoái hết vốn tại 96 DN nhà nước với số tiền lên đến gần 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên khi đọc các văn bản này, người ta chưa thấy các giải pháp “bảo trọng” cho các thương hiệu từng làm nên bản sắc của kinh tế Hà Nội như Dệt Minh Khai, Công ty Thống Nhất Hà Nội, Dệt 19/5, Giày Thượng Đình, Giày Thụy Khuê, Xích líp Đông Anh, Kim khí Thăng Long, Hanel... Trong khi đó, đây cũng chính là những thương hiệu “sống sót” qua các thăng trầm của cạnh tranh kinh tế trong hàng chục năm qua.
Trong nhiều cuộc họp Chính phủ, mặc dù rất kiên quyết trong việc yêu cầu các DN, đặc biệt là DN lớn phải thoái vốn, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất trăn trở phải làm sao để giữ được các thương hiệu lớn của đất nước. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC – chia sẻ, Chính phủ sẽ có chính sách khác nữa để giữ vững giá trị thương hiệu lớn sau khi nhà nước thoái vốn.
Cùng mối quan tâm giữ thương hiệu sau thoái vốn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại (Hapro) Vũ Thanh Sơn và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú Đỗ Thị Thu Trà đều cho rằng, mối lo chung của nhiều DN là làm sao tìm được nhà đầu tư có tâm, có tầm để đưa thương hiệu của họ có tầm vóc mới sau khi thoái vốn.
Liên quan đến việc thoái vốn nhưng không để “thoái” thương hiệu, các chuyên gia đang nhấn mạnh đến cây gậy pháp lý, đó là phương thức “cổ đông vàng”. Theo đó, cổ đông vàng có thể chỉ nắm cổ phần mang tính tượng trưng, nhưng nếu muốn thay đổi thương hiệu phải được cổ đông vàng thông qua.
Trước khi bán cổ phần, nhà nước vẫn nắm chi phối nên có quyền xây dựng điều lệ công ty sau cổ phần hóa, nên hoàn toàn có quyền đưa phương thức cổ đông vàng vào điều lệ. Khi đó, nhà đầu tư nào muốn mua thì phải chấp nhận bản điều lệ này. Hoặc theo Luật Doanh nghiệp, chỉ cần nhà nước còn nắm giữ 35% vốn điều lệ là có quyền phủ quyết bất kể quyết định lớn nào đưa ra, từ chiến lược tới thương hiệu.