Nông dân Cần Thơ chuẩn bị hoa kiểng phục vụ thị trường Tết
Thời điểm này, người dân tại TP. Cần Thơ đang tích cực chăm sóc và xuống giống thêm nhiều loại hoa kiểng ngắn ngày nữa, nhất là hoa vạn thọ để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán. Dù rất lo ngại về đầu ra sản phẩm có thể gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nông dân vẫn duy trì sản xuất nhiều loại hoa, kiểng để có nguồn thu nhập dịp Tết tới đây.
Vượt khó để sản xuất
Sản xuất hoa Tết đòi hỏi phải có nguồn phân hữu cơ từ rơm rạ đã hoai mục. Nguồn phân hữu cơ này được nông dân thu mua từ những hộ dân làm nấm rơm. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khiến việc tìm mua phân rơm, nguồn giống và nhiều loại vật tư đầu vào gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thời điểm này nông dân cần phải có phân rơm và các loại vật tư, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất các loại hoa kiểng dài ngày.
Ông Trần Phúc Hưng ngụ ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, cho biết: Tôi phải chủ động liên hệ với nhiều nơi bằng điện thoại để tìm mua và phải chấp nhận bỏ ra khoảng chi phí cao để thuê xe tải luồng xanh vận chuyển phân rơm, vật tư phục vụ sản xuất. Kết quả, tôi đã xuống giống sản xuất được hơn 6.000 chậu hoa các loại, tập trung chủ yếu là cúc và mai dạ thảo. So với năm trước, năm nay số lượng hoa tôi sản xuất có giảm nhưng vẫn giữ được số lượng khá lớn. Tôi rất mong, Tết tới đây, chợ hoa Tết mở bán bình thường và giá cả đầu ra sản phẩm thuận lợi để gia đình có được nguồn thu nhập nhằm đảm bảo cuộc sống”.
Năm nay, nông dân còn gặp khó do bởi thời tiết, thủy văn và nhiều điều kiện sản xuất bất lợi. Ông Nguyễn Văn Mười Ba ở khu vực Bình Trung, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, cho biết: “Ðã xuống giống 500 chậu hoa cúc các loại để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Năm nay, người trồng hoa kiểng không chỉ gặp khó trong tìm mua cây giống và nhiều loại vật tư mà giá thuê mướn nhân công, phương tiện vận chuyển và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh.
Ðặc biệt, giá nhiều loại phân bón hóa học đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước, giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng rất mạnh. Lũ năm nay nhỏ nhưng triều cường diễn biến phức tạp và trời thường xuyên có mưa to nên nông dân phải tốn thêm các chi phí để chăm sóc, bảo vệ hoa. Nhiều nơi nông dân phải làm giàn, kê cao các chậu hoa để tránh bị ngập úng”.
Mong đầu ra thuận lợi
Tại TP. Cần Thơ, hoa kiểng được trồng tại hầu khắp các quận, huyện. Song, tập trung nhiều là tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc các phường Long Tuyền và Long Hòa, quận Bình Thủy và Làng hoa Tân Long A thuộc xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền. Bên cạnh đó, hoa còn được trồng tại các phường Thốt Nốt, Trung Kiên và Thuận Hưng thuộc quận Thốt Nốt, phường Thới An Ðông (quận Bình Thủy), phường An Bình (quận Ninh Kiều)...
Dù lượng hoa kiểng nông dân chuẩn bị cho mùa Tết năm nay có giảm mạnh về số lượng so với năm trước nhưng nhìn chung vẫn khá đa dạng chủng loại, với nhiều loại hoa, kiểng lá và cả các loại kiểng bonsai. Trong đó, các loại hoa hiện đã được nông dân tập trung xuống giống trồng nhiều là hoa cúc mâm xôi, cúc đài loan, cúc tiger, cúc pico, cát tường, hồng nhung, mai dạ thảo, các loại hoa chậu treo, sen đá...
Anh Lê Khắc Qui, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hoa kiểng Tân Long A ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, cho biết: “HTX có 38 thành viên, với diện tích đất canh tác hơn 27ha. Ðến thời điểm này, nông dân tại HTX đã xuống giống gieo trồng được 50.000 chậu hoa, kiểng các loại. Nhìn chung, chi phí sản xuất nhiều loại hoa kiểng đã tăng khoảng 20% so với năm trước nên nông dân rất mong tới đây hoa kiểng cũng bán được giá cao. Những năm trước đây khi chưa có dịch COVID-19, HTX sản xuất hoa kiểng đạt tới 220.000 chậu các loại, còn Tết Nguyên đán 2021 sản xuất được khoảng 120.000 chậu, riêng Tết năm nay dự kiến chỉ sản xuất đạt khoảng 60.000 chậu trở lại”.
Theo ông Ðoàn Hữu Bốn, Giám đốc HTX hoa kiểng Bình An, phường Long Hòa, kiêm Phó Chủ nhiệm Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, dù nhiều hộ dân vẫn rất nỗ lực để duy trì nghề làm hoa kiểng nhưng nhìn chung số lượng hoa kiểng được các hộ dân chuẩn bị để phục vụ Tết Nguyên đán 2022 đang giảm rất mạnh so với các năm trước.
Nguyên nhân do chi phí sản xuất tăng và giá cả đầu ra sản phẩm khó dự đoán trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Ða phần bà con sử dụng nguồn vốn tự có và sản xuất với số lượng vừa sức của mình để tận dụng lao động trong gia đình nhằm “lấy công làm lời”, hạn chế thuê mướn thêm nhân công lao động và vay vốn để đầu tư cho sản xuất. Ông Ðoàn Hữu Bốn, cho biết: “Năm nay, số lượng hoa kiểng được sản xuất tại nhiều địa phương bị giảm nên nhiều bà con rất kỳ vọng tới đây sẽ bán được giá cao.
Hiện chưa có các đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng thu mua hoa, kiểng và chưa biết điều kiện đi lại để bán hoa kiểng trong dịp Tết tới đây như thế nào nên bà con không dám đẩy mạnh sản xuất. Số lượng hoa kiểng đã được xuống giống tại nhiều hộ dân đang thấp hơn từ 50-80% so với cùng kỳ. Dù bà con vẫn đang tiếp tục xuống giống thêm hoa vạn thọ và một số loại hoa kiểng ngắn ngày khác nhưng năm nay lượng hoa kiểng sản xuất tại làng nghề chắc chắn sẽ không đạt ở mức cao như các năm trước”.
Ðể an tâm sản xuất và có đầu ra sản phẩm thuận lợi, hộ dân trồng hoa kiểng rất mong ngành chức năng quan tâm có giải pháp ổn định giá các loại vật tư đầu vào và tăng cường công tác thông tin thị trường, hỗ trợ kết nối nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp và nhà tiêu thụ, giúp nông dân có thể tìm được các đầu mối tiêu thụ từ sớm.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, đến nay, nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã xuống giống gieo trồng được gần 355.700 chậu hoa kiểng, thấp hơn 886.930 chậu so với cùng kỳ.