"Nóng" hàng hoá nhập lậu đội lốt hàng Việt Nam


Từ câu chuyện Tập đoàn Asanzo dùng hàng Trung Quốc dán mác hàng Việt bị lộ, các chuyên gia kinh tế cùng đưa ra cảnh báo, sẽ là giai đoạn mà các công ty Việt Nam cần phải cực kỳ tỉnh táo. Bởi thực trạng này sẽ là thảm họa nếu các doanh nghiệp cứ để hàng hóa Trung Quốc mượn danh hàng Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhãn mác hàng hóa để tránh bị “đội lốt” hàng Việt. Nguồn: Internet.
Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhãn mác hàng hóa để tránh bị “đội lốt” hàng Việt. Nguồn: Internet.

"Thảm họa" doanh nghiệp Việt để hàng hóa Trung Quốc mượn danh hàng Việt Nam

Vụ việc bắt đầu từ cuối năm 2018, khi hải quan phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Không phải đến khi Tập đoàn Asanzo dùng hàng Trung Quốc dán mác hàng Việt bị lộ, trên thực tế, nhiều người đã biết rõ trên thị trường hiện nay đã tồn tại một thực trạng là dùng hàng ngoại nhập dán mác ‘Made in Vietnam” khá phổ biến nhằm trục lợi người tiêu dùng và lợi ích quốc gia.

Tính từ năm 2016 đến nay xuất hiện hàng loạt công ty như: Trần Thoàn, Nguyên Tuấn, Khải Phong Sài Gòn, Nam Tiến, Việt Nhật... không chỉ nhập panel LCD mà còn nhập nồi cơm điện, máy xay sinh tố, bình thủy, lò nướng... từ Trung Quốc.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2019, cơ quan này đã bắt giữ 491 vụ vi phạm pháp luật hải quan, hàng hóa vi phạm trị giá hơn 887 tỷ đồng. Thực trạng về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp về cả quy mô và tính chất.

Hàng nhập lậu gồm thực phẩm, tân dược, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, vải, đồ gia dụng…Đối tượng nhập lậu hàng hóa ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn; hoặc lợi dụng sự thông thoáng thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), nhìn nhận vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam tạo ra nguy cơ lớn. Đây sẽ là giai đoạn mà các công ty Việt Nam cần phải cực kỳ tỉnh táo. Bởi thực trạng này sẽ là thảm họa nếu các doanh nghiệp cứ để hàng hóa Trung Quốc mượn danh hàng Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác. 

TS. Thành cho rằng Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chứ không đơn giản hưởng lợi. Đó là chủ nghĩa bảo hộ gia tăng gây bất lợi cho nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam; nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm; nhiều mặt hàng của Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Mỹ vì thuế cao sẽ được đẩy sang Việt Nam.

“Điển hình là xuất khẩu các hàng hóa như điện tử, điện thoại, máy tính… sang Trung Quốc sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm nay giảm 5,8% so với cùng kỳ, trong đó điện thoại di động giảm 5,8% và thủy sản giảm 31,5%” - ông Thành dẫn chứng.

Theo luật sư Ken Đạt Dương Công ty Luật TDL (Mỹ), Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu lĩnh vực điện tử đến từ Trung Quốc. Điều này tưởng như bình thường nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro. Bởi nếu mua nguyên liệu để phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, sử dụng nội địa không thành vấn đề nhưng xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ có thể gặp rắc rối.

Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách TP. Hồ Chí Minh đánh giá, đến thời điểm hiện nay, hiệp hội chưa phát hiện các công ty Trung Quốc mượn xuất xứ Việt xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, Hiệp hội liên tục kêu gọi và khuyến cáo doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi này, vì nếu không ngành da giày sẽ thiệt hại rất nặng. Hiện thuế suất sang Mỹ với mặt hàng này đã là 13%-15%. Nếu Mỹ áp thuế Việt Nam thì còn cao hơn cả việc Mỹ đang áp thuế Trung Quốc. 

Xử lý thế nào với "hàng đội lốt"?

Tại Việt Nam, chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.

Hiện nay, các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.

Trong khi đó, tại các nước tiên tiến trên thế giới đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn, Thụy Sỹ có quy định riêng đối với đồng hồ, Hoa Kỳ có quy định riêng với ô tô, hàng dệt may và len...

Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định.

Các nước đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất tại nước đó nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể.

Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như “made in…, produced in…” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in…, assembled in…, processed in…, packaged in…, imported by/for”.

Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật Intalia, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro. Tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu Đôla Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1-14 năm.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tăng nặng việc xử phạt để răn đe tình trạng hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để vào thị trường khác. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo quyết liệt các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa để tránh trường hợp hàng hóa nước ngoài “đội lốt” là hàng Việt.

Trước mắt, cần quan tâm và kiểm tra rất kỹ chứng nhận xuất xứ. Đây là việc cần kiểm soát chặt chẽ, bởi một số doanh nghiệp khi xuất sang các nước có thể được hưởng lợi, cũng có thể trong thời gian ngắn sẽ bị phát hiện. Nhưng quan trọng hơn nếu bị phát hiện nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hay ít ra là những doanh nghiệp cùng kinh doanh sản xuất trong những ngành hàng mà họ đang xuất khẩu.