Nông sản chế biến Cao Bằng đã chinh phục nhiều thị trường khó tính

Thanh Thủy

Một số nông sản chế biến của Cao Bằng đã bước đầu chinh phục nhiều thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.

Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình "Tuần hàng giới thiệu sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2025". Ảnh: Thanh Thủy
Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình "Tuần hàng giới thiệu sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2025". Ảnh: Thanh Thủy

Đó là chia sẻ của bà Đồng Thị Kiều Oanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng tại Lễ khai mạc Chương trình “Tuần hàng giới thiệu sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2025” do đơn vị này phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 16/5/2025.

Theo Giám đốc Đồng Thị Kiều Oanh, trong những năm qua, Cao Bằng đang từng bước khai thác hiệu quả lợi thế về phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản đặc trưng của tỉnh. Đến nay tỉnh đã có 61 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có 15 sản phẩm được công nhận cấp khu vực, 5 sản phẩm được công nhận cấp quốc gia; có 144 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 131 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 13 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Đáng chú ý, một số nông sản chế biến của Cao Bằng đã bước đầu chinh phục nhiều thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc. Các sản phẩm chế biến từ trúc, cao triết Hà Thủ ô đỏ, gạo nếp và các loại thảo dược của tỉnh cũng được khách quốc tế đánh giá cao về chất lượng và tính độc đáo.

Tại chương trình, hơn 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh Cao Bằng tham gia trưng bày gần 80 loại sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: thạch đen, miến dong, gạo nếp hương Bảo Lạc, bánh khảo, trà Giảo Cổ Lam, trà Kolia, sản phẩm nông cụ cầm tay của làng rèn Phúc Sen... và nhiều sản phẩm nông sản khác.

Các đại biểu thưởng thức đặc sản thạch đen Cao Bằng.
Các đại biểu thưởng thức đặc sản thạch đen Cao Bằng. Ảnh: Thanh Thủy

Mục tiêu của chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại giữa tỉnh Cao Bằng với TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh Cao Bằng với các nhà phân phối, doanh nghiệp kinh doanh của TP. Hồ Chí Minh.

Trong khuôn khổ Chương trình, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, nhấn mạnh vai trò đầu tàu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh với vị thế cửa ngõ kết nối khu vực và thế giới, TP. Hồ Chí Minh chủ động hợp tác, liên kết vùng, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, mở rộng không gian phát triển chung hướng đến mục tiêu bền vững.

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó, việc tổ chức chương trình “Tuần hàng giới thiệu sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2025” là hoạt động cụ thể, thiết thực thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Cao Bằng trong hoạt động xúc tiến thương mại.