Nông sản Việt và cơ hội từ "cơn khát" lương thực, thực phẩm toàn cầu
Nhu cầu lương thực, thực phẩm toàn cầu đang rất lớn trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, đi kèm các lệnh cấm vận giữa một số nền kinh tế lớn khiến chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Đây cũng được xem là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến gia tăng sức ép lạm phát bởi nỗi lo thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga và hoạt động sản xuất lương thực bị gián đoạn trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục đối mặt các thách thức liên quan đến dịch bệnh... Ngoài cung cấp gần 30% lúa mì, Ukraine và Nga cũng xuất khẩu khoảng 20% ngô và khoảng 76% dầu hướng dương của thế giới.
"Trong nguy có cơ"
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới bị đứt gẫy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để xuất khẩu nông, lâm thủy sản vào những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn.
Theo Bộ Công Thương, thực tế đã chứng minh kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,08 tỷ USD, tăng tới 20,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12,8%), chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn có mức tăng trưởng cao.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,75 tỷ USD, tăng 45% (cùng kỳ tăng 12%).
Bộ Công Thương nhận định, nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam.
Về xuất khẩu gạo, kim ngạch trong tháng 5 đạt 386 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 17,2%). Trong khi đó, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 636 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 47,7%).
Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), căng thẳng và xung đột Nga - Ukraine có thể là cơ hội để nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh. Đơn cử, Ukraine cung ứng lúa mỳ cho Anh, khi xung đột xảy ra, Anh có thể chuyển hướng sang nhập nông sản từ một số thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để gạo Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường Anh.
Hay đối với mặt hàng cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lạm phát ở châu Âu đang lên mức cao kỷ lục và đe dọa làm suy yếu quá trình khôi phục sản xuất bắt đầu vào năm ngoái khi các nền kinh tế nỗ lực vực dậy sau đại dịch COVID-19.
Dự báo giá lương thực, thực phẩm ở châu Âu sẽ tăng lên mức chưa từng có, là cơ hội để doanh nghiệp (DN) cá tra mở rộng thị phần ở thị trường này sau nhiều năm chững lại. Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đang trừng phạt cá minh thái của Nga - vốn là sản phẩm cạnh tranh mạnh với cá tra cũng khiến cho nguồn cung cá thịt trắng bị giảm đáng kể. Đây là cơ hội tốt để các DN cá tra Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu cá tra đông lạnh sang EU. 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường EU đạt gần 77 triệu USD, tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ hội giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus cho hay, nhu cầu lương thực, nông sản ở châu Âu đang rất lớn, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vấn đề quan trọng là cần tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này.
Ông Vinh đánh giá nhu cầu ở thị trường châu Âu không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng. Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là DN cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường. Các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ DN Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu lương thực, thực phẩm của thị trường này rất lớn.
Theo bà Trần Lê Dung, Bí thứ thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, 2 năm COVID-19 vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã thâm nhập và được đón nhận ở thị trường Malaysia. Tuy nhiên, so với nhu cầu của thị trường này thì vẫn còn khiêm tốn.
Bà Dung cho hay, Malaysia là nước công nghiệp hóa. Trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy hải sản chỉ đáp ứng được khá ít so với nhu cầu, còn lại là nhập khẩu. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Malaysia, nhập khẩu nông sản của nước này đã tăng trung bình 6,5% mỗi năm từ 30 tỷ RM năm 2010 lên 55,5 tỷ RM vào năm 2020.
Tiềm năng là vậy nhưng đến nay, thị phần nông sản, thực phẩm của Việt Nam ở Malaysia vẫn đứng sau các nước Trung Quốc, Thái Lan do chất lượng sản phẩm và thương hiệu chưa được xây dựng.
Đơn cử, tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu ớt tươi của Malaysia là 72,4%. Mức tiêu thụ bình quân ớt là 2 kg/người/năm. "Nhiều đơn hàng đặt cho Thương vụ về mong muốn được nhập khẩu ớt nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được nguồn cung từ Việt Nam đáp ứng yêu cầu tại Malaysia", bà Dung chia sẻ.
Theo bà Dung, Malaysia đã gỡ lệnh cấm nhập khẩu ớt Việt Nam từ tháng 4/2021. Tuy nhiên, nếu muốn nhập khẩu vào Malaysia thì trái ớt của Việt Nam phải được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn xác nhận các khu canh tác ớt riêng, đủ đáp ứng yêu cầu. Điều đó dẫn đến, sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ chưa có bất kỳ phản ứng nào từ DN Việt. Bà Dung mong DN, nhà trồng ớt Việt Nam quan tâm đến thị trường và chính sách Malaysia đã gỡ bỏ, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Malaysia, đăng ký với Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn xác nhận những chứng chỉ để có thể xuất khẩu ớt.
Tương tự, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng cho thấy, nông sản Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu nông sản, thực phẩm của nước này. DN Việt Nam sẽ có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, làm ăn lâu dài với thị trường Australia trong thời gian tới nếu tập trung hơn về khâu chất lượng.