Nông sản xuất khẩu trước ngưỡng cửa FTA Việt Nam- EU: Còn nhiều rào cản!
(Tài chính) Khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU được ký kết, nông sản sẽ là một trong những mặt hàng được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, còn nhiều rào cản cần vượt qua.
Tiềm năng lớn, song cũng là thị trường khó tính
Tại Hội thảo “Thị trường EU, cơ hội và thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức vào ngày 24/9, Giám đốc Chính sách thương mại của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) Maylis Labayle cho biết, riêng năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU tới 21,3 tỷ Euro, nhập khẩu từ EU chỉ là 5,3 tỷ Euro.
Vì vậy, đây chính là ưu thế để hướng tới cơ hội xuất khẩu khi FTA giữa Việt Nam - EU được ký kết. FTA giữa Việt Nam và EU khi được ký kết có thể sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tăng thêm từ 10% - 15% so với hiện nay. Ngoài ra, FTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30% - 40% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng từ 20% - 25%.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, EU hiện vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp và hàng Việt Nam thông qua việc gia tăng xuất khẩu một số nông sản truyền thống, có thế mạnh, như: cà phê, ca cao, hạt tiêu, điều, tôm…
Trong đó, Việt Nam chiếm gần 2/3 giá trị xuất nhập khẩu - tức là đóng vai trò xuất siêu trong quan hệ thương mại song phương. EU cũng là khu vực có tiềm năng và truyền thống rất nổi bật, với sức mua dồi dào và ổn định nhờ thu nhập bình quân đứng hàng đầu thế giới.
TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cho hay cơ hội để xuất khẩu sản phẩm nông sản sang EU rất lớn do hiện nay châu Âu có đông người Việt sinh sống, đặc biệt là ở những nước nhỏ, và nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm Việt ở châu Âu đang ngày càng lớn.
Trong những năm qua, các thị trường nhỏ ở châu Âu, như: Slovakia, Bồ Đào Nha, Hungary, Lavia, Slovenhia… lại là nơi có mức nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam tăng mạnh nhất, với mức tăng hàng năm từ 57%-200%.
Tuy nhiên, nhìn chung, EU vẫn là thị trường thực sự “khó tính” với nông sản Việt. Đại diện một doanh nghiệp tại Hội thảo “Thị trường EU, cơ hội và thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu” đã phải thốt lên rằng, “đến đóng gói sản phẩm để xuất khẩu cũng rất phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng”.
Hơn nữa, nếu đáp ứng tất cả các tiêu chí của EU đưa ra thì chi phí sản xuất sẽ rất cao và kém tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại từ các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Nông sản xuất khẩu thô vẫn là phổ biến
Thực tế hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU đang giảm dần về số lượng, giá và cả thị phần. Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, điển hình như đối với sản phẩm chè, năm 2007, tỷ trọng chè của Việt Nam xuất khẩu vào EU là 20%, song đến tháng 8/2014, chỉ còn khoảng 7%.
Nguyên nhân của sự “tuột dốc” này là do chè Việt trên thị trường EU không có nhận dạng xuất xứ nguồn gốc, dư lượng hóa chất quá cao, thương hiệu chè Việt trên thị trường này lại quá mờ nhạt, không có chứng nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất.
Hơn nữa, không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn còn lúng túng trước nhu cầu mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu nông sản vào EU. Đơn cử, doanh nghiệp chế biến cà phê vẫn chấp nhận việc bán sản phẩm mới qua sơ chế hoặc bán thành phẩm; trong khi nhà máy chế biến rau quả lại không làm chủ được vùng nguyên liệu bên cạnh sự bị động về công nghệ, thiếu vốn, phương pháp bảo quản lạc hậu hoặc bất lợi về khoảng cách vận chuyển xa…
Tình trạng doanh nghiệp chấp nhận xuất hàng mới qua sơ chế vẫn khá phổ biến do thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào bảo đảm cả về khối lượng và chất lượng. Điều đó làm giảm cơ hội tăng giá trị gia tăng của hàng nông sản xuất khẩu cũng như mất cơ hội về việc làm, thu nhập cho người lao động.
Thách thức trước “ngưỡng cửa” FTA
Phát biểu tại Hội thảo, theo bà Maylis Labayle, Trưởng phòng Vận động chính sách, Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), nếu Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU được ký kết thì sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam sang EU tăng 30% đến 40%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đến thời điểm này, các doanh nghiệp của nước ta vẫn chưa thực sự có sự chuẩn bị tốt để đón nhận những ưu đãi của FTA với EU.
Khi ký FTA, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế về thuế suất. Các nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh, như: lúa gạo, rau quả tươi, mật ong, cây thuốc, sữa ong chúa, thủy sản, lúa gạo… sẽ có cơ hội vào EU rất lớn. Nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, những yêu cầu về trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội theo yêu cầu của EU thì sẽ khó có sự bứt phá về xuất khẩu.
Chẳng hạn, với các sản phẩm gỗ, đầu năm 2015 Việt Nam sẽ ký Hiệp định Đối tác tự nguyện với EU về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản nhưng các doanh nghiệp đều chưa đủ điều kiện đáp ứng sự minh bạch nguồn gốc gỗ. Hay với chè và nhiều sản phẩm nông sản khác vẫn vấp phải tồn dư chất bảo vệ thực vật khá cao. Doanh nghiệp lại chưa có cơ cấu sản xuất sản phẩm phù hợp để xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở chế biến khiến giá xuất khẩu nông sản ngày một xuống thấp, điển hình là các bài học đối với chè, lợn sữa, cá tra…
Để đẩy mạnh xuất khẩu và đón nhận cơ hội khi ký FTA với EU, các chuyên gia tại Hội thảo “Thị trường EU, cơ hội và thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu” cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt phải “làm ăn lại”. Cụ thể là: (i) Doanh nghiệp phải tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm để nâng tính cạnh tranh; (ii) Phải tìm hiểu kỹ thị trường EU, vì ngoài tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng… Đây là những vấn đề mà hầu như ít doanh nghiệp của ta nghĩ tới.
Ở góc độ cơ quan quản lý, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, chẳng hạn như: nâng cao chất lượng nông sản tạo ra giá trị hàng hóa để có khối lượng xuất khẩu phù hợp. Bên cạnh đó, giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào chế biến nông sản để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu sang EU./.
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) vừa công bố thông tin Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu cảnh báo rau quả và bao bì bằng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Tính từ ngày 1/2/2014 đến nay, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng (DG SANCO) của Ủy ban châu Âu (EC) đã được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo 3 lần liên tiếp về việc 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng bị cấm trên cây húng quế và mướp đắng. DG SANCO thông báo trong thời gian 1 năm kể từ ngày 1/2/2014 đến ngày 1/2/2015 nếu phát hiện 5 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật thì EU sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau, quả của Việt Nam.