"Nóng" tăng lương tối thiểu
Lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ được tăng bao nhiêu đang là vấn đề được cả đại diện sử dụng lao động và người lao động quan tâm. Việc chốt phương án cũng không hề dễ dàng khi mỗi bên đều đưa ra những luận cứ bảo vệ quan điểm của mình.
Cuối tuần qua, phiên họp đầu tiên về lương tối thiểu vùng 2020 đã được tổ chức. Đây là cuộc đàm phán giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ) – đại diện người lao động với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện người sử dụng lao động).
Khoảng trống với mức sống tối thiểu
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ), cho biết bức tranh kinh tế của năm 2019 thuận lợi cho việc tăng lương tối thiểu 2020. Tổng LĐLĐ kỳ vọng mức tăng lương tối thiểu 2020 sẽ lấp đầy khoảng trống chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.
“Lương tối thiểu năm 2019 đạt khoảng 95% mức sống tối thiểu của người lao động. Vì vậy, năm 2020, mức lương tối thiểu vùng vẫn phải tiếp tục tăng để đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”, ông Quảng nói.
Theo đó, Tổng LĐLĐ đề xuất 2 phương án: Phương án 1 tăng 8% tương ứng với mức tăng 180.000 – 380.000 đồng, tùy theo từng vùng lương; phương án 2 đề xuất tăng từ 7,06% tương ứng với mức 160.000 – 330.000 đồng, tùy từng vùng.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết: trước cuộc họp, hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đề nghị VCCI không chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng 2020. Tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng chi phí của DN trong bối cảnh đang cắt giảm nhiều chi phí để cạnh tranh.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 54.000 DN được thành lập mới, nhưng có tới trên 20.000 DN phải rời khỏi thị trường, trong đó có 7.000 DN đã hoàn thành xong thủ tục giải thể.
Chưa kể, hiện nay, đa phần các DN đã chi trả mức lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu đã được công bố. Năm 2019, các DN đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2019 được đề xuất tăng 5,3%.
Cụ thể: 72,5% DN đã điều chỉnh tăng trên 6%; 2,1% DN tăng 5,9%. Đồng thời, việc điều chỉnh lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa là điều chỉnh các phần có liên quan chứ không có ý nghĩa nhiều đối với mức lương tối thiểu của người lao động.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe, phân tích từ đó có những con số phù hợp để nếu có tăng thì sẽ nằm trong khả năng chi trả, sức chịu đựng của DN và tăng khả năng cạnh tranh của DN”, ông Phòng nói.
Giải bài toán hài hòa lợi ích
Tại phiên họp, bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020. Cụ thể: Phương án 1 tăng bình quân 4,9% so với lương tối thiểu vùng hiện hành, tức tăng 120.000 – 200.000 đồng; phương án 2 tăng bình quân 4%, tức tăng 70.000 – 170.000 đồng, tùy từng vùng; phương án 3, tăng bình quân 6%, tức 140.000 – 240.000 đồng, tùy từng vùng.
Trước đó, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may, phản ánh: Việc “khoác nhầm áo” cho lương tối thiểu đã gây nhiều khó khăn cho DN. Tăng lương tại các quốc gia đang phát triển hiện chỉ đơn thuần là tăng lương chứ không phát sinh kèm chi phí khác. Tuy nhiên, với Việt Nam, khi đã tăng lương, DN phải chịu thêm nhiều khoản tăng như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn.
Ông Cẩm cho biết, nhiều DN dệt may đã trả lương người lao động ở mức khá cao, 8-10 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với lương tối thiểu.
Nhiều DN khác đặt vấn đề: Yêu cầu đặt ra đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu, nhưng mức sống tối thiểu là bao nhiêu đến nay lại chưa xác định được. Trong khi đó, việc tăng lương khiến DN phải cõng thêm hàng loạt chi phí.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, xác định mức lương tối thiểu là việc cần bàn bạc kỹ lưỡng vì liên quan tới rổ hàng hóa, giá cả, tỷ trọng chi phí… trong bối cảnh thu nhập còn thấp.
Trong phiên họp đầu tiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nghe báo cáo của bộ phận kỹ thuật, thành viên đến từ 3 bên: Nhà nước, người lao động, chủ sử dụng lao động để có những số liệu, phương án làm cơ sở thống nhất mức lương tối thiểu.
Ông Diệp cho biết, chắc chắn Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải họp thêm 1-2 phiên nữa để các bên thương lượng, trao đổi đi đến thống nhất mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020, phấn đấu trong tháng 7/2019 chốt được mức lương tối thiểu vùng 2020 để trình Chính phủ.
Điều này cho thấy, để hài hòa được lợi ích của cả người lao động và khả năng chi trả của DN, bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương quốc gia cần thống nhất được cách tính chung, đưa ra căn cứ cụ thể để xác định nhu cầu sống tối thiểu thì mức đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng mới có thể tiệm cận nhau.