Nước Anh tìm cơ hội ở phương Đông

Theo daibieunhandan.vn

Trong bài viết trên tờ Daily Mail cuối tuần trước, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng: “thương mại hiện đại không nên chỉ là những chuyến xe tải giữa Calais và Dover, mà còn là những máy bay vận tải hạ cánh xuống Jakarta và những tàu container cập cảng tại TP. Hồ Chí Minh”. Đây cũng chính là thông điệp của ông Cameron trong chuyến công du 4 quốc gia ở Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam, bắt đầu từ ngày 27.7.

Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Malaysia Najib Razak . Nguồn: internet
Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Malaysia Najib Razak . Nguồn: internet

Đông Nam Á sẽ là điểm đến đầu tiên ngoài châu Âu của ông Cameron kể từ khi ông tái đắc cử Thủ tướng tháng 5 vừa qua. Chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á trong tuần này của ông Cameron có hai trọng tâm rất rõ ràng: thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Anh với các nền kinh tế khởi sắc trong khu vực Đông Nam Á và tăng cường hợp tác chống khủng bố, trong đó mục tiêu kinh tế là quan trọng nhất.

Đông Nam Á là thị trường tiềm năng

Tháp tùng Thủ tướng Cameron có Bộ trưởng Thương mại và hơn 30 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Anh. Điều này cho thấy kinh tế - thương mại là trọng tâm trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này của ông chủ số 10 phố Downing. Dự kiến ông Cameron sẽ mang về nước một loạt hợp đồng trị giá tổng cộng khoảng 750 triệu bảng Anh (hơn 1,2 tỷ USD). Quan trọng hơn, Chính phủ của ông Cameron đã nhìn nhận Đông Nam Á là một trong những thị trường nhiều tiềm năng nhất mà Anh không được phép bỏ lỡ. Theo Thủ tướng, trong vòng 20 năm tới, 90% tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ đến từ bên ngoài châu Âu, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á, vì thế nước Anh phải sẵn sàng chớp lấy cơ hội đó.

Xác định Liên minh châu Âu (EU) vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, nhưng Thủ tướng Cameron cho rằng trong bối cảnh một số nền kinh tế ở châu Âu đang gặp khó khăn trong khi các thị trường xa hơn đang trỗi dậy mạnh mẽ, nước Anh phải thay đổi hướng tiếp cận. London cần nhìn ra bên ngoài châu Âu, không chỉ Ấn Độ và Trung Quốc mà cả thị trường năng động, nhiều tiềm năng với hơn 500 triệu dân như Đông Nam Á. Đến năm 2030, khu vực này được trông đợi sẽ là thị trường hợp nhất lớn thứ tư trên thế giới.

Indonesia là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến đi 4 ngày của Thủ tướng Cameron. Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, với nền kinh tế gần tương đương với Anh. Như lời ông Cameron, Anh đang bán hàng cho Hungary nhiều hơn là cho Indonesia, dù Indonesia lớn gấp Hungary… 25 lần. Kim ngạch thương mại của Anh với Bỉ hiện lớn hơn tổng kim ngạch thương mại của Anh với cả Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore cộng lại. Vì thế, việc mở rộng hoạt động thương mại sang Đông Nam Á sẽ giúp thực hiện mục tiêu mà Chính phủ của ông Cameron đưa ra là nâng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Anh từ nay đến năm 2020, lên mức 1.000 tỷ bảng/năm.

Đề cập những số liệu ấn tượng về 4 nước Đông Nam Á trên, với Singapore có nhiều điện thoại thông minh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, Indonesia có 55 triệu người sử dụng internet hay Việt Nam nhập khẩu 150.000 ô tô mỗi năm, nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh thông điệp của ông tới Đông Nam Á đơn giản là: “Với nước Anh, các thị trường mới đồng nghĩa với các mối kinh doanh mới. Anh sẵn sàng đến tận cùng thế giới để bán hàng”. Mỗi thị trường mới mà Anh tiếp cận đều mang lại lợi ích cho người dân nước này bởi 1/4 tổng số việc làm của xứ sở sương mù liên quan tới xuất khẩu, và các nền kinh tế đang bùng nổ ở Đông Nam Á là những thị trường tốt cho hàng hóa, dịch vụ của Anh.

Hợp tác chống kẻ thù chung

Ngoài chủ đề trọng tâm là kinh tế, cuộc chiến chống khủng bố và nguy cơ các nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng là chủ đề được Thủ tướng Cameron thảo luận với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Nhận định đây là “một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt”, ông Cameron cho rằng “chỉ có thể đánh bại những kẻ khủng bố tàn bạo này nếu phối hợp hành động ngay trong nước, ở nước ngoài, trên internet, và nếu tất cả các nước trên thế giới đoàn kết cùng chống kẻ thù chung”.

Trước thềm chuyến công du, Thủ tướng Cameron cho biết London có thể sẽ cung cấp hỗ trợ cho Indonesia và Malaysia trong việc giải quyết vấn đề Hồi giáo cực đoan. Malaysia và Indonesia được cho là có nhiều công dân gia nhập các nhóm khủng bố, trong đó có IS. Khoảng 200 - 500 người từ Indonesia và 150 người từ Malaysia bị nghi đang chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria.

Trong chặng cuối cùng của chuyến thăm Đông Nam Á, Thủ tướng Cameron sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29 - 30.7 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Anh đương nhiệm thăm Việt Nam. Theo chương trình nghị sự, Thủ tướng Cameron và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ thảo luận các biện pháp, phương hướng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt - Anh; thúc đẩy các thế mạnh và tiềm năng hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, khoa học công nghệ hiện đại, tài chính ngân hàng, giáo dục, đào tạo và quốc phòng. Dự kiến Thủ tướng Cameron sẽ ký 3 văn kiện hợp tác trong lĩnh vực bảo trì máy bay, trái phiếu Chính phủ và thăm dò khai thác dầu khí.