Nước Mỹ bước vào cuộc đua vũ trụ mới
Tròn 30 năm sau khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đưa ra "Sáng kiến phòng thủ không gian (SDI)" hay "Chiến tranh giữa các vì sao", giờ đây nước Mỹ sắp có lực lượng vũ trụ. Nếu được Quốc hội thông qua, lực lượng này sẽ trở thành quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ nhằm giữ vững thế tiên phong trong lĩnh vực khám phá không gian mà Washington đang nắm giữ.
Chương mới trong lịch sử các lực lượng vũ trang Mỹ
Phát biểu tại một sự kiện ở Lầu Năm góc ngày 9/8, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định "đã đến lúc viết nên một chương lớn tiếp theo trong lịch sử các lực lượng vũ trang", chuẩn bị "cho trận đánh tiếp theo" nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những mối đe dọa thế hệ mới đối với người dân và nước Mỹ.
Theo ông Mike Pence, Lầu Năm góc quyết định thành lập lực lượng vũ trụ hoàn toàn tách biệt với lực lượng không quân. Khi chính thức đi vào hoạt động, lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm một loạt năng lực quan trọng của quân đội Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ, từ các vệ tinh phát tín hiệu của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tới các thiết bị cảm biến theo dõi các vụ phóng tên lửa. “Tổng thống Donald Trump đề nghị Quốc hội đầu tư thêm 8 tỷ USD cho các hệ thống an ninh vũ trụ Mỹ trong 5 năm tới. Chính phủ sẽ hợp tác với quốc hội và đưa ra dự thảo ngân sách vào năm 2019”, ông Mike cho biết.
Để có thể chính thức đi vào hoạt động, đề xuất thành lập lực lượng vũ trụ cần phải được quốc hội thông qua. Nhưng ngay cả khi điều đó chưa diễn ra, Lầu Năm góc đã có kế hoạch xây dựng các bộ phận của lực lượng vũ trụ. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 1/8, trong những tháng tới, bộ này có kế hoạch xây dựng 3 trong tổng số 4 bộ phận của lực lượng vũ trụ, gồm một chỉ huy chiến đấu trong vũ trụ, một cơ quan mới để mua vệ tinh cho quân đội và một lực lượng chiến đấu mới.
Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng quân chủng mới đang làm nảy sinh tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ. Trong khi nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch trên, thì các nghị sĩ đảng Dân chủ coi việc xây dựng lực lượng vũ trụ là không cần thiết, lãng phí tiền bạc, ảnh hưởng đến các ưu tiên khác. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, những trọng trách của lực lượng vũ trụ vốn đã được các tổ chức và lực lượng như không quân thực hiện.
“Chiến tranh giữa các vì sao mùa thứ 2”
Vai trò của quân đội Mỹ đang bị đánh giá lại vì thực tế cường quốc số 1 thế giới ngày càng lệ thuộc vào các vệ tinh trong không gian-vốn khó có thể bảo vệ. Các vệ tinh này cung cấp việc liên lạc, theo dõi, tình báo và các dịch vụ khác có vai trò sống còn đối với quân đội và kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, "các quốc gia khác đang tìm cách phá vỡ hệ thống dựa vào không gian và thách thức vai trò của Mỹ trong lĩnh vực này", Phó tổng thống Mike Pence nói.
Theo tờ Le Monde của Pháp, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chỉ có Liên Xô mới là đối thủ thực sự của Mỹ trong lĩnh vực chinh phục không gian. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc chạy đua quân sự hóa không gian lên đến đỉnh điểm với dự án SDI trị giá hàng tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan để đối phó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô.
Cũng theo tờ báo trên, thế giới đang bước vào “chiến tranh giữa các vì sao mùa thứ 2”. Nước Nga ngày nay dưới thời lãnh đạo của Tổng thống V.Putin đang phát triển một cách mạnh mẽ và một lần nữa thách thức quyền lực không gian của Mỹ, bao gồm cả quân sự. Điều này được chứng minh bằng việc Moscow phóng thành công vệ tinh Kosmos 2499 vào năm 2014. Tháng 3 vừa qua, Moscow cũng thông báo phóng thành công tên lửa siêu âm, vượt quá nhiều lần tốc độ âm thanh và thoát khỏi sự kiểm soát của bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Ngoài Nga, Trung Quốc cũng là đối thủ mới của Mỹ trong cuộc đua giành vũ trụ. Đầu năm 2007, Bắc Kinh đã dùng tên lửa bắn từ trái đất phá hủy một trong những vệ tinh cũ của nước này. Một dấu mốc mới mà Bắc Kinh vừa đạt được vào ngày 3/8 vừa qua khi phát triển và thử nghiệm thành công loại máy bay siêu thanh tối tân, bay bằng chính sóng xung kích tự tạo ra.
Máy bay siêu thanh là loại máy bay siêu âm có thân hình chữ V được thiết kế để sử dụng sóng xung kích tạo ra từ chính hoạt động bay của máy bay làm lực nâng. Máy bay siêu thanh thử nghiệm của Trung Quốc duy trì tốc độ cao đạt tới Mach 6-tương đương tốc độ 7.344 km/giờ. “Đó là lý do vì sao, Mỹ cần thành lập lực lượng vũ trụ để thực thi các chính sách và nguyên tắc nhằm bảo vệ các lợi ích của mình”, ông Mike khẳng định. Thế nhưng, quyết định này có thể sẽ khiến thế giới lại chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trụ mới nguy hiểm hơn.