Nước Mỹ đã trải qua những thời kỳ lạm phát tăng vọt nào trong thế kỷ qua?
Lạm phát thường tăng mạnh khi chính phủ phải bơm ra thật nhiều tiền để chi tiêu cho các cuộc chiến tranh và rồi bình ổn trong thời bình.
Mùa thu năm 1966, người Mỹ đổ xô ra đường biểu tình hàng loạt, các cuộc biểu tình thu hút sự quan tâm của giới chính trị gia Washington, lãnh đạo các doanh nghiệp và phóng viên của hàng loạt cơ quan truyền thông.
Tuy nhiên, những người Mỹ này không thể hiện sự phẫn nộ về các cuộc chiến tranh hay phân biệt chủng tộc mà họ phản đối tình trạng giá cả thực phẩm tăng cao quá mức.
Phong trào này còn được coi như cuộc cách mạng của tầng lớp phụ nữ trung lưu nuôi con nhỏ. Quá mệt mỏi với chi phí cuộc sống tăng cao, họ biểu tình bên ngoài các siêu thị cùng với các biểu ngữ kêu gọi giảm giá hàng hóa, có nhiều khi biểu ngữ được viết bằng son môi.
Ban đầu các cuộc biểu tình bắt đầu ở Denver và sau đó lan sang các thành phố khác. Tạp chí Time khi đó đã đưa tin rằng làn sóng tẩy chay các siêu thị lan nhanh chóng mặt. Trợ lý phụ trách các vấn đề liên quan đến người tiêu dùng của Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã kêu gọi người biểu tình bỏ phiếu với đồng USD.
Các cuộc biểu tình và tẩy chay liên quan đến chi phí thực phẩm lại bùng lên trong thập kỷ tiếp theo, họ phản đối giá cà phê, thịt và nhiều loại sản phẩm khác. Hoạt động biểu tình trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, họ biểu tình phản đối giá xăng cao hoặc về chi phí cuộc sống.
Một nhóm phụ nữ địa phương vận động giảm giá bán hàng hóa có tên FLP (For Lower Prices) tại Long Island, New York có số lượng thành viên ước tính khoảng 1.500, theo tài liệu trong sách của nhà sử học Emily Twarog.
Giờ đây, sau nhiều thập kỷ nước Mỹ trải qua lạm phát vô hình, nhiều người Mỹ chẳng biết lạm phát như thế nào. Khoảng gần nửa dân số Mỹ hiện nay sinh ra sau năm 1981, năm cuối cùng chỉ số giá tiêu dùng tăng 2 chữ số. Tuy nhiên, lịch sử lạm phát Mỹ dường như chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Chỉ số giá tiêu dùng giờ đây lại đang tăng trở lại: Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2021 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và như vậy ghi nhận mức tăng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Nhìn vào lịch sử, người ta cũng học được nhiều điều.
Tình trạng lạm phát tồi tệ cuối thập niên 1960 và 1970 không phải chuyện của một sớm một chiều. Nó bắt nguồn từ rất nhiều năm trước đó, kết quả trực tiếp của những sai lầm về chính sách và những yếu tố bất thường cho đến khi nó hằn sâu vào tâm lý của mỗi người Mỹ. Ở thời điểm đó, thường phải mất đến 2 cuộc suy thoái và cách tư duy mới về kinh tế người ta mới có thể kiềm chế được lạm phát.
Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua tại có thể không dẫn đến lạm phát kéo dài. Tuy nhiên cũng cần đến sự dũng cảm chính trị từ Ngân hàng Trung ương Mỹ và nhiều chính trị gia để đảm bảo rằng điều này không bình thường. Việc ngăn ngừa rủi ro lạm phát cũng giúp giải quyết những khó khăn về kinh tế.
Giáo sư kinh tế học đồng thời từng là người có nhiều năm làm việc tại Hội đồng Tư vấn Kinh tế Nhà Trắng những năm 1979-1980, ông Stephen Cecchetti, khẳng định: “Vấn đề là ở chỗ các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng quá chậm sau những sai lầm của họ”. Công việc của ông là đưa ra các biện pháp ngừa lạm phát mà trước đó đã không có hiệu quả trong việc ngăn chi phí nhà ở tăng cao.
Trước đây, nước Mỹ từng trải qua lạm phát, nhưng chủ yếu trong thời chiến tranh. Khi đó, chính phủ buộc phải chi ra nhiều tiền để hỗ trợ cho cuộc tiền tuyến. Khi mà lượng tiền lớn được bơm vào các ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình cùng lúc đó số lượng hàng hóa được sản xuất ra vô cùng hạn chế do tình trạng khan hiếm sản xuất, giá cả hàng hóa tăng vọt. Khi mà các nỗ lực hỗ trợ chiến tranh suy giảm và chi tiêu của chính phủ giảm đi, lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng.
Tháng 5/1917, chỉ mới sau khi Mỹ bước vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ do Bộ Lao động công bố tăng đến 20% so với cùng kỳ năm trước. Chiến tranh kết thúc, diễn biến giá cả bình ổn trở lại trong suốt thời kỳ kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh thập niên 1920.
Tương tự như vậy, chỉ số tăng 13% trong năm 1942 sau khi nước Mỹ bước vào Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tình hình giá cả ổn định cùng với các biện pháp kiểm soát giá cả của chính phủ. Đến năm 1947, lạm phát tại Mỹ lại tăng đến 20%. Chỉ số giá cả giảm trong năm 1949 và rồi sau đó ổn định suốt thập niên 1950, ngoại trừ trong cuộc Chiến tranh Liên triều.