Nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học: Nhìn từ thực tiễn tại Bắc Giang
Nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học là hướng đi bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam với nhiều lợi ích tối ưu. Điều này được minh chứng thông qua mô hình nuôi cá theo hướng an toàn sinh học tại tỉnh Bắc Giang.
Hướng đi mới
Những năm qua, nuôi trồng thủy sản nước ta có những bước phát triển vượt bậc. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước năm 2014 ước đạt 3,62 triệu tấn, tăng trưởng khoảng 8,69% so với năm ngoái. Tuy nhiên, kéo theo đó, nuôi trồng thủy sản cũng gặp rất nhiều khó khăn như các mầm bệnh lây lan trong vùng nuôi rất khó trị, chất lượng con giống, thức ăn và nguồn nước kém, dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm ngày càng cao nên đã ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản...
Thực trạng trên đòi hỏi cần có phương pháp đê giúp người dân nuôi thủy sản có thể hạn chế được những khó khăn và rủi ro gặp phải. Nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học được xem là hướng đi mới nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trên, giúp nghề nuôi phát triển bền vững, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu.
Theo đó, mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ không sử dụng các loại hóa chất độc hại mà dùng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi trồng để hạn chế tối đa dịch bệnh, khắc phục hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp giảm thiểu rủi ro, góp phần ổn định đầu ra, đem lại kinh tế cao và đảm bảo an toàn, phát triển bền vững.
Thực tiễn tại Bắc Giang
Xác định rõ sự cần thiết áp dụng phương pháp an toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bắc Giang đã đề ra định hướng phát triển nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học với mục tiêu đến năm 2015 là 295 ha (sản lượng 2950 tấn) và đến năm 2020 là 750 ha (sản lượng 8250 tấn).
Theo đó, hàng năm Chi cục thủy sản tỉnh Bắc Giang đã xây dựng mô hình nuôi cá theo hướng an toàn sinh học với nhiều điểm mới. Nuôi cá theo phương pháp này có điểm khác biệt so với phương pháp truyền thống là hạn chế việc sử dụng kháng sinh, hóa chất. Các hóa chất sử dụng khi thực hiện mô hình chủ yếu là vôi bột, muối hạt, tỏi xay nhuyễn và đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi để ổn định các thông số môi trường trong ao.
Bên cạnh đó, nuôi cá theo hướng an toàn sinh học ở Bắc Giang còn sử dụng chế phẩm sinh học, quạt nước để ổn định môi trường nước ao nuôi. Sử dụng chế phẩm sinh học EMINA trong suốt quá trình nuôi để bổ sung các vi sinh vật có lợi làm ổn định các thông số môi trường, tạo điều kiện tốt để cá sinh trưởng và phát triển, hấp thụ thức ăn tốt, giảm chi phí đầu tư thức ăn, tăng lợi nhuận cho người nuôi. Đồng thời, bố trí máy quạt nước, máy phun mưa để oxy trong ao nuôi luôn luôn được duy trì với nồng độ cao, cá không bị ngạt, giảm thời gian nổi đầu, tăng quá trình trao đổi chất, giúp cá khỏe và hấp thụ thức ăn tốt hơn.
Đầu vào trong nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học cũng được kiểm soát chặt chẽ. Thức ăn công nghiệp đưa xuống cho cá sử dụng được kiểm soát và lấy mẫu đi xét nghiệm các dư lượng thuốc kháng sinh và hormon sinh trưởng, nấm mốc để khẳng định độ an toàn cho sản phẩm cá thương phẩm đầu ra. Nguồn nước cung cấp cho ao nuôi cũng được kiểm soát và quản lý chặt chẽ, đồng thời hàng tháng lấy mẫu nước trong ao đi phân tích các chỉ số ô nhiễm môi trường như NO2, NH3…
Nhờ đó, qua 2 năm theo dõi mô hình thủy sản theo hướng an toàn sinh học, Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Giang cho biết, để được 1 kg cá cần chi phí đầu tư khoảng 20.000 - 22.000đ. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) là 1,267 thấp hơn so với mô hình nuôi thông thường (FCR = 1,5). Riêng tính chi phí thức ăn chiếm 80,2% là chi phí chính trong tổng vốn đầu tư. Năng suất đạt 15,2 tấn/ha. Lợi nhuận đạt 120 – 140 triệu đồng/ha tăng khoảng 15%.
Như vậy, để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng thì cần phải hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là hướng phát triển trong tương lai.