Olympic không phải “cây đũa thần”
Brazil vừa kết thúc một kỳ Thế vận hội thành công. Tinh thần thể thao - dân tộc của Olympic đã phần nào khuấy động bầu không khí ảm đạm bao trùm Brazil thời gian qua, cũng như cải thiện phần nào đời sống của một bộ phận người dân nước này.
Mặc dù vậy, Thế vận hội mùa hè Rio 2016 không thể là “cây đũa thần” giúp Brazil thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế.
Điểm sáng trong giai đoạn khó khăn
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế Brazil sút kém, các cuộc điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến tập đoàn dầu mỏ quốc gia Petrobras ngày càng mở rộng, cùng với đó là quá trình luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff…
Thế vận hội mùa hè Rio 2016 ban đầu được dự đoán sẽ khó như mong đợi. Tuy nhiên, vượt qua sự hỗn loạn chính trị trong nước, xứ sở của vũ điệu Samba đã tổ chức thành công Olympic với những dấu ấn khó phai như lần đầu tiên Đội tuyển người tị nạn - đại diện cho khoảng 65,3 triệu người tị nạn trên khắp thế giới - tham dự Olympic; hay nước chủ nhà đã giành được 7 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 6 huy chương đồng, đứng thứ 13 trong bảng tổng sắp - thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự các kỳ Olympic của Brazil.
Mặc dù vẫn tồn tại không ít phàn nàn xung quanh Olympic, như việc chi tiêu lãng phí cho những dự án cơ sở hạ tầng phục vụ Thế vận hội; tình trạng nợ lương người lao động trong khu vực công; lời hứa dọn sạch vịnh Guanabara bị ô nhiễm của thành phố Rio de Janeiro chưa được thực hiện hay cam kết thiết lập kỷ cương, trật tự xã hội vẫn đối diện với thách thức lớn từ các vụ phạm tội gia tăng…; nhưng, không thể phủ nhận những thay đổi sâu sắc mà Thế vận hội mùa hè 2016 đã mang lại cho thành phố Rio de Janeiro 6 triệu dân.
Cảng biển được hiện đại hóa. Khai trương tuyến tàu điện ngầm mới và 4 làn đường nhanh dành cho xe buýt. Các dự án lớn nhỏ đầu tư cho cơ sở hạ tầng của thành phố lâu nay nằm trong “danh sách ao ước” của các nhà quy hoạch được hiện thực hóa và mọc lên như nấm...
Chính quyền thành phố Rio de Janeiro cho biết, đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng hơn 400 trường học và cơ sở y tế ở những khu vực nghèo, như một phần trong kế hoạch nhằm tái thiết thành phố nhân dịp đăng cai tổ chức Olympic. Thị trưởng Rio de Janeiro Eduardo Paes khẳng định, Olympic là cơ hội hiếm hoi giúp thu hút đầu tư cho thành phố.
Nhà sử học kiêm kinh tế học, đồng thời là cựu Giám đốc Thư viện quốc gia Brazil Pedro Corrêa do Lago cho rằng, Olympic đã để lại di sản lớn cho Rio de Janeiro và có thể 20 - 30 năm sau mới nhận ra những sự cải thiện này.
Trong khi đó, nhà phân tích của công ty xếp hạng tín dụng Moody’s Barbara Mattos chỉ ra, những công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng cho Thế vận hội sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, ngay cả sau khi Olympics kết thúc.
Cú hích không đủ mạnh
Tuy nhiên, Olympic chỉ diễn ra trong vòng một tháng và khả năng kích cầu kinh tế ngắn hạn đến từ làn sóng khách du lịch và người hâm mộ thể thao đến Brazil trong thời gian diễn ra Olympic - chủ yếu trong những lĩnh vực hàng không, nhà hàng - khách sạn, kinh doanh thực phẩm và đồ uống - không đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế quy mô lớn của Brazil, vốn đang trong cuộc suy thoái dài nhất kể từ năm 1930.
Chính phủ Brazil cũng đã chi rất nhiều tiền cho việc tổ chức Thế vận hội, bất kể suy thoái kinh tế và nợ công tăng cao. Với 7,1 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng, Brazil đã đầu tư cho Olympic nhiều hơn so với cho World Cup.
Năm 2015, kinh tế Brazil sụt giảm 3,8% và theo dự báo của Ngân hàng Trung ương nước này, năm nay kinh tế sẽ tăng trưởng 3,5%. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, kinh tế Brazil vẫn tiếp tục ở mức báo động đỏ trong năm 2017.
Hàng triệu người Brazil bị mất việc làm và nạn thất nghiệp tăng gấp đôi. Lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá đáng kể trong hai năm qua. Trong khi đó, đất nước Nam Mỹ tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng nội bộ, khi Thượng viện bỏ phiếu ủng hộ việc khởi động tiến trình luận tội Tổng thống Dilma Rousseff.
Thêm vào đó, kinh nghiệm từ hơn nửa số nước từng đăng cai tổ chức Olympic cho thấy, tăng trưởng GDP trung bình của những quý trong thời gian diễn ra Thế vận hội và ngay sau khi Olympic kết thúc thường yếu hơn so với trước.
Một số nhà phê bình cho rằng, Olympic mang lại lợi ích không đồng đều, bởi nó sẽ chỉ tạo ra sự sung túc cho một số khu vực như Barra da Tijuca, nơi đặt Làng Olympic, trong khi đó lại không tạo được chuyển biến ở những khu vực dân cư nghèo.