Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 25-29/4/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC): Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế các nước GCC:

- Năm 2016: Tốc độ tăng trưởng GDP giảm từ 3,3% năm 2015 xuống còn 1,8%, thấp hơn dự báo 2,75% đưa ra trước đó, do thâm hụt ngân sách lên tới 11,6% GDP, giá dầu giảm mạnh và việc nâng lãi suất cơ bản đồng USD.

- Năm 2017: Tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi, đạt 2,3% và thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 10,8% GDP.

(Theo Thời báo Tài chính Anh ngày 25/4)

Khu vực Mỹ La-tinh và Caribe:

- Năm 2016: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống -0,5%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 01/2016 do giá hàng hóa giảm, các điều kiện tài chính không ổn định, bất ổn chính trị ở Brazil, khủng hoảng năng lượng ở Venezuela… trong đó, Argentina (-1%), Brazil (-3,8%), Venezuela (-8%); Mexico (2,4%) và Chile (1,5%).

- Năm 2017: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,5%.

(Theo IMF ngày 28/4)

Eurozone: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone đạt 1,5% trong năm 2016, sau đó tăng lên 1,6% và 1,7% trong 2 năm 2017 và 2018. (Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 22/4)

Anh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2016 chỉ đạt 0,4%, giảm so với 0,6% trong quý 4/2015 - là mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ quý 4/2012, do sự sụt giảm mạnh sản lượng xây dựng (giảm 0,9% trong quý 1) và sản xuất công nghiệp (giảm 0,4 % trong quý 1). (Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 27/4)

Hàn Quốc: Trong quý 1/2016, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này tăng 0,4% so với quý 4/2015 và thấp hơn mức 2,7% của cùng kỳ năm 2015, do: (i) Kim ngạch xuất khẩu, lĩnh vực chiếm gần một nửa GDP Hàn Quốc, giảm 1,7% và nhập khẩu giảm 3,5% so với quý 4/2015; (ii) Tiêu dùng cá nhân giảm 0,3% so với quý 4/2015 do nhu cầu yếu đối với các hàng hóa sử dụng lâu dài (xe hơi, tủ lạnh…). Trước đó, tiêu dùng cá nhân trong quý 3/2015 cũng đã tăng 1,1% và tăng 1,4 % trong quý 4/2015; (iii) Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm 5,9% so với quý 4/2015, do nhu cầu thấp đối với các trang thiết bị vận tải và máy móc nói chung.(Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 26/4).

Hàng hóa

Trong báo cáo Triển vọng Thị trường hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 26/4:

- Giá dầu thô năm 2016 được dự báo tăng lên mức bình quân 41 USD/thùng so với mức 37 USD/thùng dự báo hồi tháng 01/2016, do lượng cung dư thừa trên thị trường dự kiến sẽ giảm.

- Giá năng lượng, bao gồm dầu mỏ, khí tự nhiên và than được dự báo giảm 19,3% trong năm 2016, thấp hơn so với mức 24,7% dự báo báo hồi tháng 01/2016.

- Giá các hàng hóa phi năng lượng như kim loại, khoáng sản, nông sản và phân bón được dự báo sẽ giảm 5,1% trong năm 2016, cao hơn so với mức dự báo trước đó (tháng 1/2016) là giảm 3,7%.

Giá thép thanh trong tháng 3/2016 giảm 27% so với tháng 01/2014. Giá thép cuộn cán nóng và cán nguội đã giảm tương ứng 30% và 29% so với tháng 01/2014. Giá thép ở Ấn Độ hiện thấp nhất thế giới, trong đó: Giá thép cuộn cán nóng trong tháng 3 là 409 USD/tấn, trong khi ở Hàn Quốc là 456 USD/tấn; giá thép cuộn cán nguội là 461 USD/tấn, so với mức 480 USD/tấn ở Thổ Nhỹ Kỳ và 519 USD/tấn ở EU. (Theo Bộ trưởngngành thépNarendra Singh Tomar ngày 27/4)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Đã giảm điểm trong tuần qua, do giới đầu tư chờ đợi các phiên họp chính sách của FED và BoJ trong tuần và báo cáo lợi nhuận trong quý 1/2016 không mấy lạc quan của các doanh nghiệp tài chính. Tính chung cả tuần (18 - 22/4/2016), chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng giảm 1,3%; Nasdaq Composite giảm 2,7%. Tính riêng phiên giao dịch cuối tuần (29/4/2016) so với phiên giao dịch ngày hôm trước, các chỉ số:

- Dow Jones đạt 17.773,64 điểm, giảm 57,12 điểm (0,32%).

- S&P 500 đạt 2.065,3 điểm, giảm 10,51 điểm (0,51%).

- Nasdaq Composite đạt 4.775,36 điểm, giảm 29,93 điểm (0,62%).

Chứng khoán châu Á: Trong tuần qua, các thị trường chứng khoán chính tại châu Á hầu hết giảm điểm, do chịu ảnh hưởng từ xu hướng giảm của chứng khoán Hoa Kỳ và quyết định chưa tăng cường các biện pháp kích thích của NHTW Nhật Bản (BoJ) khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế của quốc gia này. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 0,95% xuống 129,08 điểm.

Các thị trường chính:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 4,85% xuống 16.666,05 điểm;

- Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,11% xuống 2.938,323 điểm;

- Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,16% xuống 20.676,94 điểm;

- Kospi (Hàn Quốc giảm 0,01% xuống 1.986,41 điểm;

- Riêng S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,28% lên 5.353,84 điểm.

Dầu mỏ

Tính chung tuần từ 25 - 29/4/2016, giá dầu WTI tăng 2,3% và Brent tăng 3,4%, do khi đồng USD suy yếu, nhu cầu xăng lên cao và thông tin về lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ bất ngờ giảm. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch cuối tuần (29/4/2016):

- Giá dầu WTI giao tháng 6/2016 giảm 50 cent xuống 43,23 USD/thùng.

- Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 giảm 19 cent xuống 45,46 USD/thùng.

Châu Á

Thái Lan

- Ngày 25/4, Chính phủ Thái Lan thông báo kế hoạch bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ trong tháng 5 và 6, với mục tiêu thu về 100 tỷ THB (2,84 tỷ USD). Đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu lúa gạo của nước này. Trong hai thập kỷ qua, trung bình mỗi năm, nước này xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo.

- Trong quý 1/2016, nước này đã đón 9,03 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu về 12,93 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2016, Thái Lan sẽ đón 32 triệu lượt khách, thu về 64,5 tỷ USD. Năm 2015, Thái Lan thu hút 29,6 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, đạt doanh thu 37,6 tỷ USD. Du lịch được đánh giá là điểm sáng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Thái Lan dự kiến triển khai nhiều chương trình quảng bá để thu hút khách du lịch quốc tế và xem xét việc thông qua nhiều chính sách ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh phục vụ du lịch.

(Theo Tổng Cục Du lịch Thái Lan - TAT ngày 25/4)

Singapore

Chính phủ nước này quyết định đầu tư trên 700 triệu SGD (500 triệu USD) trong 5 năm tới để thúc đẩy du lịch, tập trung vào: (i) Đẩy mạnh tiếp thị tại các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và tiếp cận các thị trường mới như Myanmar; (ii) Xây dựng kho lưu trữ thông tin để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành có thể chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm. (Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore S. Iswaran ngày 25/4)

Châu Âu

Eurozone

- Tỷ lệ lạm phát củaEurozone trong năm 2016 ở mức khoảng 0,3%, sau đó sẽ tăng lên 1,3% trong năm 2017, giảm nhẹ so với dự báo trước đó là 0,7% và 1,4%, chủ yếu do tác động của diễn biến tình hình giá dầu trên thế giới trong thời gian qua theo xu hướng giảm thấp. (Theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB công bố ngày 22/4)

Anh

Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) ngày 25/4 thông báo sẽ cho Anh vay 1 tỷ GBP (1,4 tỷ USD) để hỗ trợ nước này xây dựng thêm nhà ở xã hội, nâng tổng số các khoản vay mà EIB cho Anh vay lên 4 tỷ GBP kể từ đầu năm 2016 tới nay. Năm 2015, EIB đã cấp cho Anh khoản vay cao kỷ lục lên đến 5,6 tỷ GBP vào 40 dự án.

Thụy Sỹ

Thụy Sỹ cam kết sẽ đầu tư hơn 706 triệu USD (được chia thành 5 đợt) vào nguồn vốn điều lệ 100 tỷ USD của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), chính thức trở thành thành viên sáng lập thứ 37 của ngân hàng này vào ngày 25/4/2016 và được quyền tham gia đề cử thành viên vào Hội đồng Thống đốc và Hội đồng quản trị của ngân hàng, đồng thời cũng có quyền đóng góp ý tưởng trong quá trình xây dựng thể chế cho AIIB. (Theo Tân Hoa Xã ngày 26/4)

Đức

Trong tháng 4/2016, số người đăng ký thất nghiệp tại nước này đã giảm 16.000 người xuống còn 2,706 triệu người, tương đương tỷ lệ thất nghiệp là 6,2%, mức thấp nhất kể từ năm 1990, do tiến trình phục hồi kinh tế không bị tác động lớn trước những bất ổn của kinh tế toàn cầu và cuộckhủng hoảng di cưđang diễn ra. (Theo Văn phòng Lao động Đức ngày 28/4)

Nga

Ngày 23/4, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo, xếp hạng tín dụng của Nga vẫn tiếp tục ở mức “Ba1” khi kinh tế Nga giảm tốc do giá dầu sụt giảm, sự duy trì cấm vận của phương Tây, tình trạng đồng nội tệ giảm giá, lạm phát lên cao gây bất lợi cho các doanh nghiệp và cho niềm tin người tiêu dùng.

Hoa Kỳ

Trong quý ​1/2016, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 0,5%, mức thấp nhất kể từ quý 1/2014 (0,9%) và thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,4% trong quý 4/2015. Hầu hết các ngành và lĩnh vực đều tăng trưởng yếu.

- Chi tiêu tiêu dùng - yếu tố đóng góp hơn 70% vào các hoạt động của nền kinh tế, chỉ tăng 1,9%, giảm so với mức tăng 2,4% trong quý 4/2015 và là mức tăng thấp nhất trong 1 năm qua. Đồng USD tăng và giá năng lượng thấp khiến chi tiêu của các doanh nghiệp giảm mạnh nhất kể từ quý 2/2009.

- Đầu tư của doanh nghiệp giảm 5,9%, mức giảm hàng quý thấp nhất trong 7 năm qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng chậm lại chỉ là tạm thời và kinh tế Hoa Kỳ trong quý 2 được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn, đạt khoảng 2%.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/4)

Ngày 27/4, FED thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25 - 0,5% và nhiều khả năng sẽ chưa tăng lãi suất trong ngắn hạn do kinh tế Hoa Kỳ đang giảm sút, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại và lạm phát trong ngắn hạn vẫn ở mức thấp, mặc dù thị trường lao động được cải thiện.

Trung Quốc

Tính đến cuối tháng 3/2016, tổng nợ ròng của Trung Quốc (bao gồm cả nợ trong nước và nước ngoài) tăng lên 163.000 tỷ CNY (25.000 tỷ USD - xấp xỉ 240% GDP), tăng mạnh so với mức 148% GDP cuối năm 2007, do Chính phủ nước này đã tăng cường vay vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế. Các chuyên gia kinh tế Anh cảnh báo, do tỷ lệ nợ cao, Trung Quốc có nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính hoặc tăng trưởng chậm lại và kéo dài. (Theo Thời báo Tài chính Anh ngày 24/4)

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm 180 tỷ CNY (27,6 tỷ USD) thông qua thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo), kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,25%. Trước đó, ngày 20 - 21/4, PBoC cũng lần lượt bơm 260 tỷ CNY và 250 tỷ CNY vào thị trường nhằm giảm tình trạng căng thẳng về khả năng thanh khoản. (Theo Tân Hoa xã ngày 25/4)

Lợi nhuận của 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc trong năm 2015 chỉ tăng 0,14 - 1% so với năm 2014, giảm mạnh so với 20% trong năm 2010 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2004. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và nợ xấu tăng nhanh làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc. Lợi nhuận gộp của 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có thể giảm 3% trong năm 2016, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2004. (Theo Bloomberg ngày 25/4)

Các nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch rút 538 tỷ USD khỏi thị trường Trung Quốc trong năm 2016, giảm 20% so với khoản rút vốn 674 tỷ USD trong năm 2015, nhưng có khả năng sẽ tăng mạnh nếu xuất hiện những lo ngại về đồng CNY mất giá sẽ ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi, do sự chi phối của nền kinh tế Trung Quốc và tình trạng thoái vốn kéo dài có thể gây ra nhiều biến động về tỷ giá, có thể làm phát sinh làn sóng thoái vốn mới. Hiện tại, tốc độ thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc đang chậm lại. Trong tháng 3, đã có khoảng 35 tỷ USD được rút, nâng tổng mức thoái vốn tại nước này trong 3 tháng đầu năm là 175 tỷ USD, vẫn thấp hơn so với tốc độ thoái vốn nửa cuối năm 2015.

(Theo Viện Tài chính quốc tế - IIF ngày 25/4)

Nhật Bản

- CPI của Nhật Bản trong tháng 3/2016 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2015 - giảm lần đầu tiên sau 5 tháng và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2013, do giá năng lượng giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó giá xăng giảm 20,5% và giá điện giảm 9%. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2015.

- Chi tiêu trung bình của các hộ gia đình trong tháng 3 - chỉ số quan trọng của tiêu dùng tư nhân, đã giảm 5,3% xuống 300.889 JPY (2.696 USD). Thu nhập của các hộ gia đình hưởng lương tăng 0,3% lên 450.698 JPY - lần tăng đầu tiên trong 7 tháng.

(Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 28/4)

Ngày 28/4,Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo:

- Duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện hành: Lãi suất tiền gửi cơ bản giữ nguyên ở mức -0,1%, không thay đổi chương trình nới lỏng định lượng trị giá khoảng 80 nghìn tỷ JPY (730 tỷ USD)/năm.

- Giảm dự báo lạm phát trong tài khóa 2016 và 2017 còn lần lượt là 0,5% và 1,7% (so với dự báo được đưa ra vào tháng 1 là 0,8% và 1,8%).

Ngay sau quyết định của BoJ, trong phiên giao dịch ngày 28/4, đồng JPY đã tăng 2,9% so với đồng USD - mức tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm và tăng 2,7% so với đồng EUR, hạ tỷ giá ngoại tệ xuống các mức lần lượt là 108,17 JPY/USD và 122,9 JPY/EUR - mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Đàm phán - Ký kết

Syria và Nga

Ngày 26/4, Syria đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Nga trị giá khoảng 950 triệu USD nhằm tái thiết Syria trong các lĩnh vực như: Phát triển năng lượng, thương mại, tài chính… Theo Thủ tướng Syria Al-Halqi, Nga sẽ tham gia thăm dò và khai thác các mỏ khí đốt và dầu mỏ ở trên đất liền và ngoài khơi Syria. Đặc biệt, Nga cũng được mời để nâng cấp nhà máy lọc dầu Baniyas và hợp tác với Iran và Venezuela trong việc xây dựng một nhà máy lọc dầu mới tại Syria.

Nhận định
chuyên gia

Ngày 23/4, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhận định:

Nếu Anh ra khỏi EU, nước này có thể cần tới từ 5 - 10 năm để đàm phán hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, do Hoa Kỳ sẽ tập trung vào Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với EU và các khối thương mại lớn khác, thay vì với một quốc gia châu Âu riêng rẽ.Anh ở lại EU sẽ làm tăng vị thế, cũng như sức mạnh kinh tế của cả Anh và EU.