Ôm trái đắng vì bán hàng nhưng lơ mơ về luật
Hàng nông sản của Việt Nam đang gặp khó khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế do không hiểu quy định của nước sở tại.
Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng Nhật và hệ thống cảnh báo nhanh của EU liên tiếp phát hiện nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam như thanh long, rau gia vị, nấm, thủy sản… còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá mức cho phép.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho xuất khẩu các mặt hàng nói trên mà còn gây ảnh hưởng lớn đến uy tín nông sản nước ta trên trường quốc tế.
Liên tục bị trả về
Theo Bộ Công Thương, trong bốn tháng đầu năm nay, tám lô hàng nông sản và chín lô hàng thủy sản của nước ta xuất khẩu sang châu Âu đã bị hệ thống cảnh báo nhanh của EU phát hiện chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm theo tiêu chuẩn EU.
Ví dụ, Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu tám lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Úc và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép. Bỉ từ chối một lô hàng cá da trơn đông lạnh của Việt Nam. Pháp cảnh báo một lô hàng nhiễm chất cấm nghiêm trọng với lô cá ngừ từ Việt Nam.
Sau khi cảnh báo, phía EU đã ngay lập tức gửi thông báo từ chối nhập hoặc tiến hành giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng nông sản và hải sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Không chỉ thị trường EU, Nhật cũng đã phát hiện nhiều nông sản của nước ta như thanh long, rau mùi tàu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép của nước này.
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật cho biết với những doanh nghiệp vi phạm, Nhật dự kiến sẽ áp lệnh kiểm tra 100% tất cả sản phẩm cùng loại. Bên cạnh đó, nước này sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng cùng loại xuất khẩu từ Việt Nam.
Tìm hiểu quy định liên quan trên website
Đại diện Cục BVTV gợi ý doanh nghiệp nên tìm hiểu thông tin trên website của Cục BVTV về quy định an toàn thực phẩm của các nước, trong đó có danh mục mức quy định tối đa cho phép của các nước. Hoặc doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu trực tiếp trên website của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi của Nhật, website EU, Mỹ đều có những thông tin này.
Cụ thể rau mùi tàu tươi, rau ngót tươi, trà chưa lên men, nấm fukurotake… là các mặt hàng buộc phải kiểm tra. Đáng chú ý, thanh long tươi của Việt Nam là một trong những mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường Nhật cũng nằm trong danh sách bị kiểm tra lần này.
Vênh nhau về quy định
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu chuối sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc, chia sẻ việc các lô hàng nông sản nước ta khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bị trả về hoặc bị áp lệnh kiểm soát gắt gao có hai lý do.
Thứ nhất, do chất lượng các lô hàng nông sản đó thực sự có vấn đề, dư lượng thuốc BVTV quá ngưỡng cho phép theo quy định của nước xuất đến.
Thứ hai, do quy định của các nước xuất đến khác so với quy định của Việt Nam.
“Ví dụ như hàng xuất sang Mỹ thì họ đòi hỏi phải có chiếu xạ, còn hàng xuất sang Nhật lại đòi hỏi phải xông nước nóng, khử trùng bằng nhiệt” - ông Huy dẫn chứng.
Do đó, ông Huy cho rằng để tránh rơi vào trường hợp không đáng có như trên, trước khi xuất khẩu doanh nghiệp cần thông qua nhà nhập khẩu để tìm hiểu quy định của nước nhập khẩu.
Cũng liên quan vấn đề trên, ông Vương Trường Giang, Trưởng phòng An toàn thực phẩm thuộc Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), cho biết: Nguyên nhân chính khiến các nước cảnh báo hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam là do việc áp dụng mức tồn dư tối đa cho phép của thuốc BVTV trên nông sản giữa các nước và Việt Nam đang có sự khác nhau.
Ví dụ ở Việt Nam, thuốc BVTV có hoạt chất isoprothiolane được dùng trên lúa nhưng ở Mỹ không có quy định mức tồn dư tối đa cho phép của hoạt chất này trên gạo. Do vậy, nếu gạo của Việt Nam sang Mỹ bị phát hiện có dư lượng isoprothiolane dù rất thấp cũng không được nhập khẩu vào Mỹ.
Tương tự, metalaxyl được phép sử dụng trên thanh long ở Việt Nam nhưng Nhật chưa quy định mức tối đa cho phép của chất này nên họ áp dụng ở mức rất thấp là 0,01 mg/kg. Hệ quả là thanh long của Việt Nam bị vi phạm quy định của Nhật.
Lý giải về sự khác nhau này, ông Giang cho rằng nguyên nhân là do cây trồng, dịch hại (do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác) của mỗi vùng trên thế giới, mỗi quốc gia khác nhau nên việc sử dụng thuốc BVTV cũng như quy định mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc BVTV trên nông sản khác nhau.
“Các nước chỉ quy định mức dư lượng thuốc BVTV trên cây trồng đang được sử dụng tại nước đó” - đại diện Cục BVTV nhấn mạnh.
“Xuất gia phải tùy tục”
Rõ ràng sự vênh nhau về các mức quy định tối đa dư lượng thuốc BVTV giữa Việt Nam và các nước đang gây khó cho hàng nông sản xuất khẩu trong nước. Để giải bài toán này, ông Vương Trường Giang, Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục BVTV, cho rằng trong quá trình sản xuất và kinh doanh, các doanh nghiệp Việt phải xem xét nên sử dụng loại thuốc BVTV nào để phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu, đồng thời phải hiểu rõ và tuân thủ đúng những quy định về an toàn thực phẩm của quốc gia đó để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Mặt khác, Việt Nam phải chủ động quy hoạch vùng sản xuất theo chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc gắn với thị trường xuất khẩu.
“Một nội dung rất quan trọng mà chúng ta phải thực hiện ngay là xây dựng mức dư lượng tối đa cho phép đối với nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thanh long, vải, lúa gạo… Từ đó đệ trình với các nước áp dụng giá trị mức tối đa cho phép khi nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Tránh việc các nước áp dụng giá trị mức tối đa cho phép quá thấp gây bất lợi cho Việt Nam” - ông Giang nói.
Tán đồng quan điểm này, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng việc sử dụng chất cấm hay vấn đề dư lượng thuốc trong nông sản phụ thuộc vào quy định của từng nước. Tuy nhiên, có một thực tế rất sốc là không chỉ nông dân mà không ít doanh nghiệp rất ít quan tâm đến các tiêu chuẩn cho nông sản, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế. Hệ quả là nông sản xuất khẩu của Việt Nam lãnh đủ.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tại thị trường Nhật, năm 2018 có đến 48 vụ việc sản phẩm nông sản của Việt Nam sau khi kiểm dịch đã bị trả về. Lý do là tồn dư hoạt chất bị cấm hoặc các thuốc BVTV có hàm lượng cao hơn mức cho phép.
Cũng trong năm 2018 có khoảng 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị EU và các thị trường nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo chất lượng và trả về. Số lượng hàng trả về gấp đôi năm 2017.