Ông Võ Kim Cự nói gì về dự án Formosa?

Theo daibieunhandan.vn

Đề cập đến vụ vi phạm của Formosa tại Hà Tĩnh, nhiều cơ quan báo chí đã nêu trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khi cấp phép và vận hành dự án. Để rộng đường dư luận, Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh xung quanh nội dung này.

Ông Võ Kim Cự nói gì về dự án Formosa? - Ảnh 1

ĐBQH Võ Kim Cự

“Lựa chọn và cấp phép đầu tư cho Formosa là đúng đắn”

Ông có lý giải khi Hà Tĩnh chọn Formosa vì nhà đầu tư này đồng ý đầu tư cả ba ngành cảng biển, thép và điện. Xin ông cho biết ba ngành này có nằm trong quy hoạch của Chính phủ trong Khu Kinh tế Vũng Áng hay không?

Thời điểm năm 2007 - 2008, chúng ta đang có chủ trương kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của đất nước như luyện thép, sản xuất điện và cảng biển. Lúc bấy giờ có Formosa cùng một số nhà đầu tư lớn khác muốn lập dự án, xây dựng nhà máy tại Vũng Áng.

Tuy nhiên, các nhà đầu khác chỉ chuyên về thép, không có đầu tư cảng biển, nhiệt điện, thậm chí, có nhà đầu tư còn yêu cầu cấp cả mỏ sắt Thạch Khê, riêng Formosa cam kết sẽ làm luyện thép, cảng biển, đầu tư nhà máy điện.

Với mong muốn lựa chọn một nhà đầu tư đa ngành, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ Tập đoàn Formosa và thấy rằng Tập đoàn này đã đầu tư nhiều nhà máy nhiệt điện tại một số quốc gia. Đây là nhà đầu tư có năng lực tài chính, năng lực luyện thép, đồng thời họ cũng đã đầu tư nhiều cảng biển, cảng nước sâu trên thế giới.

Hơn nữa, thời điểm năm 2007 là lúc mà chúng ta đang rất cần điện, thép cho phát triển kinh tế, xã hội (Chính phủ dự báo đến năm 2015 - 2017 chúng ta có thể thiếu điện năng cho sản suất và đời sống). Đặc biệt, đó cũng là thời điểm mà chúng ta chưa có cảng biển nước sâu nào mà tàu vài ba vạn tấn có thể cập cảng được. 3 ngành điện, thép và cảng biển vừa là những ngành cấp bách, vừa là yêu cầu cơ bản. Từ những lý do đó, chúng tôi thấy rằng, việc lựa chọn và cấp phép đầu tư cho Formosa là đúng đắn.

Mặt khác, trình tự xem xét, cấp phép cho dự án của Tập đoàn Formosa tại Vũng Áng được tiến hành nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình đó, Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản xin ý kiến, có sự tham gia thẩm định của các bộ, ngành liên quan và Chính phủ cũng đã có các văn bản chấp thuận chủ trương, chấp thuận cho Hà Tĩnh cấp phép cho dự án. Ngay cả việc cấp phép cho nhà đầu tư thuê đất 70 năm cũng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, có sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản.

Việc phát triển các ngành điện, thép và cảng biển tại Vũng Áng đều nằm trong các quy hoạch về cảng biển, quy hoạch điện 7 và quy hoạch ngành thép, bảo đảm tính khoa học và chiến lược theo đúng các kế hoạch, quy hoạch ngành.

“Nếu Formosa không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thì kiên quyết đóng cửa”

Được biết, trên thế giới, việc sử dụng khoa học - công nghệ để giải quyết vấn đề môi trường trong sản xuất thép không phải quá khó. Và thực tế, nhiều nước cũng đã xây dựng các nhà máy thép ngay trong thành phố nhưng vẫn bảo đảm môi trường. Vậy tại sao, Formosa mới khởi động đã gây tác hại môi trường nghiêm trọng? Ở đây, trách nhiệm của nhà đầu tư, trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, việc để xảy ra sự cố môi trường biển đặc biệt nghiêm trọng vừa qua, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Như tôi đã nói, trình tự cấp phép cho dự án đều đúng theo trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật.

Vấn đề nằm ở việc chủ đầu tư đã thực thi không nghiêm chỉnh, không đúng với giấy phép, với Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chính phủ đã có kết luận về nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố là tập đoàn Formosa và họ cũng đã nhận lỗi trước Chính phủ, trước nhân dân, đưa ra các cam kết để khắc phục sự cố.

Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng, có phần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước chúng ta từ các bộ, ngành liên quan cho đến địa phương trong việc giám sát, kiểm tra việc triển khai dự án. Đây là một bài học xương máu. Cũng phải nói thật là chưa bao giờ chúng ta có dự án lớn như thế này.

Đồng thời, các phương tiện kỹ thuật, thiết bị công nghệ phục vụ cho kiểm tra, giám sát cũng còn thiếu. Thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã thực hiện các đợt kiểm tra, thanh tra nhưng không phát hiện ra sai phạm, cho đến gần đây thì các anh có nói là thiếu thiết bị công nghệ. Dù nói thế nào thì sự cố xảy ra có phần trách nhiệm của địa phương.

Đây là bài học trong quá trình thu hút và triển khai các dự án đầu tư tới đây chúng ta cần rút kinh nghiệm. Trong đó, phải quan tâm toàn diện từ khâu chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến quản lý đầu tư và hậu kiểm, cả chuỗi này cần phải gắn kết chặt chẽ hơn. Khi đó, sẽ không có sự kiện đáng tiếc xảy ra như vừa qua.

Ông có trả lời với báo chí: “Nếu nhà máy Formosa không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thì kiên quyết đóng cửa”. Đây là trường hợp xấu nhất nếu xảy ra, ông đánh giá tác động tiêu cực về kinh tế cũng như môi trường đầu tư như thế nào?

Đúng vậy, nếu Formosa không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thì kiên quyết đóng cửa. Tất nhiên, khi đóng cửa một dự án thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của nhà đầu tư và của chúng ta, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và cả hệ lụy xã hội, vấn đề lao động, hạ tầng... Dù là tiền của ai thì đó cũng là nguồn lực. Do đó, cần phải có các phương án bảo đảm hiệu quả nhất, ít thiệt hại nhất.

Và dù phương án nào thì phải lấy việc phát triển bền vững, nghiêm túc bảo vệ môi trường sống, làm việc của không chỉ khu kinh tế, mà môi trường chung của tỉnh Hà Tĩnh và cả vùng. Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết đã đưa ra, cần phải xử lý nghiêm, bảo đảm nhất quán mục tiêu phát triển bền vững.

Không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Bảo đảm quyền lợi của đất nước, nhân dân, đồng thời cũng phải bảo đảm môi trường đầu tư, các mối quan hệ quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký kết, tham gia.

Xin cảm ơn ông!