Để nhân dân thấy một Chính phủ hành động

Theo daibieunhandan.vn

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay, song tại phiên họp sáng qua, vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững một lần nữa được đặt lên bàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Từ những vụ việc xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gần đây nhất là Formosa Hà Tĩnh, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về những tác động đối với đời sống kinh tế - xã hội đất nước, tìm giải pháp khắc phục, không để xảy ra tình trạng tương tự ở những dự án sau. Bởi trên hết, không chỉ cho nhân dân thấy quá trình xử lý, mà phải thực sự để nhân dân nhìn thấy kết quả sự nỗ lực của Chính phủ hành động.

Bao giờ nghề cá của bà con ngư dân sẽ tiếp tục?

Dư luận nhân dân, xã hội, Quốc hội rất quan tâm đến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ hành động và Chính phủ trong sạch. Đây là cốt lõi của nhiệm kỳ tới, gồm 4 chữ: hành động và trong sạch. Tôi đề nghị Chính phủ nên xây dựng tiêu chí thế nào là hành động và thế nào là trong sạch, ngắn gọn gồm 7-8 tiêu chí. Ví dụ, một tiêu chí mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề cập nhiều lần là cấp giấy phép đầu tư, thì cần làm rõ ở các nước hiện còn mấy giờ, mấy ngày, còn ở nước ta là bao nhiêu, hành động thế nào? Nếu Chính phủ hành động chỉ nói chung chung, không có tiêu chí cụ thể thì nhân dân, Quốc hội giám sát cũng khó. Nếu Chính phủ hành động, Chính phủ trong sạch có 7 tiêu chí cơ bản được soạn thảo và công khai cho nhân dân cũng như mọi tầng lớp trong xã hội thì uy tín của Chính phủ sẽ ngày càng tăng lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt

Vấn đề xả thải ra môi trường của Formosa không chỉ là mối quan tâm, lo lắng riêng cho 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế), mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Vì thế, ngay đầu Phiên họp cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, vụ việc Formosa tiếp tục được các thành viên UBTVQH đặt ra, yêu cầu Chính phủ giải trình, làm rõ, nhất là việc công khai quy trình khắc phục sự cố xả thải để người dân theo dõi, kiểm tra.

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện ra 53 hành vi vi phạm về hành chính.

Trong đó đặc biệt có hành vi vi phạm nghiêm trọng là Formosa Hà Tĩnh đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý khô (công nghệ thân thiện) sang công nghệ xử lý cốc ướt (công nghệ phát tán nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải). Đây là một trong những bằng chứng pháp lý quan trọng.

Tuy nhiên, việc sửa đổi công nghệ này không liên quan đến sự cố môi trường mà liên quan đến việc Formosa vi phạm các quy định của Việt Nam. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết thêm, hiện hệ thống xử lý đang giai đoạn chạy thử và trên thực tế nơi nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc - đây là nơi nguồn nước thải ra được xử lý ở trạm sinh hóa - và đến nay mới chạy 1/4 công suất nên để xảy ra ô nhiễm như vừa qua là do sự cố.

Thực tế nếu vận hành đầy đủ, đúng quy định, được kiểm tra chặt chẽ thì hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kiểm soát và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Sau khi Formosa Hà Tĩnh thừa nhận trách nhiệm và chịu khắc phục hậu quả, Chính phủ đang triển khai đồng bộ các công việc liên quan đến kiểm soát, giám sát và yêu cầu họ phải khắc phục tất cả tồn tại - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Ghi nhận việc Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đấu tranh buộc Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm và bồi thường là thắng lợi lớn, song theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cùng với việc triển khai những giải pháp khắc phục đã đề ra thì phải điều tra, làm rõ nguyên nhân chủ quan trong việc phê duyệt, thẩm định dự án. “Vừa rồi chúng ta đã làm tốt nhưng theo tôi cần thêm bước này, còn việc khắc phục hậu quả là tất yếu” - Chủ tịch Hà Ngọc Chiến thẳng thắn.

Sau sự cố này thì vấn đề khắc phục hậu quả môi trường như thế nào? Bao giờ nghề cá của bà con ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung trực tiếp gánh chịu hậu quả sẽ được tiếp tục thực hiện? Phân tích dưới góc độ này thì rõ ràng sự cố về môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra không đơn giản chỉ dừng ở những thiệt hại về mặt kinh tế.

Nói đi đôi với làm

6 tháng đầu năm, bên cạnh những mặt thuận lợi thì kinh tế - xã hội nước ta cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có vụ việc xả thải của Formosa Hà Tĩnh làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.

Ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, song vấn đề đặt ra là sau những sự cố về ô nhiễm môi trường như vậy thì Chính phủ cần làm gì để khẩn trương khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, ổn định đời sống sản xuất cho nhân dân?

Một trong những ví dụ rõ nhất là sự cố môi trường do Formosa gây ra đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển du lịch, dịch vụ ở 4 tỉnh miền Trung. Theo báo cáo của các tỉnh này, thì ở các nhà hàng hiện nay có tình trạng chưa ai, kể cả dân bản địa, dám ăn hải sản đánh bắt về, khách du lịch không dám tắm…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ ngoài việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, cần sớm có giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch cho các tỉnh miền Trung.

Nêu ví dụ về những sự cố môi trường lớn đã từng xảy ra trước đây như vụ Vedan, vụ của Tung Kuang, Hào Dương, Nicotex và gần đây nhất là Formosa Hà Tĩnh... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị hai việc.

Một là, Chính phủ cần rà soát, kiểm tra lại những dự án, nhà máy có khả năng gây ô nhiễm môi trường như phản ánh của dư luận và có báo cáo trước Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế.

Hai là, rà soát, đánh giá tất cả những bản đánh giá tác động môi trường của những dự án đang nghi ngờ có vấn đề về gây ô nhiễm môi trường, vì đây là barie quan trọng đầu tiên để bảo vệ môi trường mà các dự án này phải vượt qua, theo đúng quy định của Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường. Việc đánh giá, kiểm tra lại như vậy nhằm xác định rõ những bản đánh giá tác động môi trường đó có thực sự đáp ứng được yêu cầu không? Có cắt dán, photo từ dự án này qua dự án khác không? Nếu có thì trách nhiệm thuộc về ai?

Khẩn trương điều tra, xác định và công bố nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung trong tháng 4 vừa qua là một trong những nỗ lực của Chính phủ, thể hiện sự ứng phó linh hoạt và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

Thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính mà Chính phủ mới đưa ra nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của nhân dân. Nhưng điều mà người dân chờ đợi hơn cả, đó là Chính phủ thực hiện thế nào và kết quả ra sao? Như cách nói của nhiều thành viên UBTVQH sáng qua: phải là một Chính phủ hành động thật sự, nói đi đôi với làm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: Kê đơn thuốc phải đúng bệnh

Theo Nghị quyết của QH, năm nay GDP phải đạt 6,7%. Nhưng qua 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của ta rất thấp, ở mức 5,52%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,32% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó thời gian còn lại rất ít, bây giờ là tháng 7 rồi. Với những khó khăn như thế liệu chúng ta có thực hiện được mục tiêu Nghị quyết của QH đề ra là tăng GDP 6,7% hay không? Tôi cho rằng đánh giá của chúng ta cần phải sâu và cụ thể hơn nữa, cũng như người lính “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”, phải tìm hết được lý do. Anh bác sỹ cũng vậy, phải khám làm sao để phát hiện rõ bệnh, kê đơn thuốc phải đúng thì mới giải quyết được.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: Không có chính sách nào khác là tăng tổng cầu

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng, được biết là Chính phủ kiên trì, kiên quyết thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%, nhưng bằng các chính sách gì thì đề nghị phải nói rõ ra. Theo tôi, không có chính sách nào khác là tăng tổng cầu. Các nước tăng kinh tế bằng cái gì? - Thông qua tăng tổng cầu, tăng đầu tư, từ đó mới kích thích tăng trưởng. Nhưng haidư địanày của chúng ta không còn nữa. Tôi đề nghị chỗ này chúng ta xem có thể điều chỉnh được: nếu nông nghiệp tăng trưởng âm nhưng cố gắng cật lực ở dịch vụ hay ở khu vực nông nghiệp sẽ bù đắp được thì mới nêu ra. Có như vậy mới cân bằng được.