Cái giá quá đắt!
Một trăm tấn chất thải của Formosa Hà Tĩnh mà ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn, xây dựng, quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh, chôn trong trang trại nhà mình đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường lấy mẫu độc lập và gửi đi phân tích. Vài ba ngày nữa, chúng ta sẽ biết đây là chất thải gì, mức độ độc hại của chúng ra sao? Khi có số liệu chính xác, trách nhiệm của Formosa và của ông Lê Quang Hòa sẽ được làm sáng tỏ.
Tuy nhiên, rất có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn, xây dựng, quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh nghĩ gì khi quyết định chôn 100 tấn chất thải của Formosa Hà Tĩnh ngay trên đất của mình. (Lưu ý rằng, Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh không có chức năng xử lý chất thải công nghiệp). Ông Hòa nói với báo chí ông có cơ sở để khẳng định chất thải này không độc hại.
Niềm tin đó hẳn là lớn lắm! Hay số tiền hợp đồng xử lý chất thải với Formosa Hà Tĩnh mang lại lớn hơn? Trên giấy tờ hợp đồng, giá thành vận chuyển và xử lý bùn thải sinh hoạt là 1.000 đồng/kg, bùn thải công nghiệp 800 đồng/kg. Chôn xong 100 tấn chất thải, trăm triệu đồng sẽ về ngay túi, còn ô nhiễm môi trường nếu có cũng ở thì tương lai. Như cách nói của dân gian, chưa thấy quan tài sao phải đổ lệ!
Trong vụ việc này, Formosa Hà Tĩnh đã đáng lên án thì Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn, xây dựng, quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh còn đáng lên án hơn nhiều, vì ông ta là người Việt và đang sinh sống trên đất Việt.
Tương tự, đối với những dự án gây ô nhiễm được phanh phui trong thời gian gần đây, trách nhiệm lớn hơn thuộc về chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Vì lợi ích trước mắt, nhiều địa phương đã quá dễ dãi trong chiến lược phát triển kinh tế, chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng với bảo vệ môi trường.
Thậm chí, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng, có những địa phương đã hạ thấp chuẩn mực môi trường, hạ thấp “danh dự” địa phương và biến nó trở thành một lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Qua vụ việc Formosa Hà Tĩnh hay Lee & Man Việt Nam, dư luận cũng có quyền nghi ngờ năng lực thực thi cũng như hiệu quả điều phối của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Cho đến nay, nước ta chưa giàu, chưa trở thành nước công nghiệp hóa nhưng ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Theo Ngân hàng Thế giới, thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại nước ta lên đến 5% GDP hàng năm, nghĩa là năm 2015, nước ta thiệt hại khoảng 10 tỷ USD. Con số này lớn hơn số vốn thực tế được giải ngân của bất kỳ một dự án đầu tư nước ngoài nào từ trước đến nay.
Không chỉ Formosa Hà Tĩnh, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải dời dự án của mình sang các nước đang phát triển, không trụ lại được ở bản quốc vì chi phí xử lý môi trường quá đắt đỏ và nước đó đã từng trải qua giai đoạn như Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ ngày càng gia tăng. Được coi là “công xưởng sản xuất mới của thế giới” nhưng tiêu chuẩn về môi trường lại rất thấp so với các nước, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ có mức độ nhập khẩu ô nhiễm cao.
Có rất nhiều việc phải làm để tránh nguy cơ này. Đã qua rồi cái thời chúng ta cấp phép cho Vedan và chấp nhận hy sinh sông Thị Vải; cấp phép cho Hyundai - Vinashin và chấp nhận hy sinh vùng biển Hòn Khói, Khánh Hòa… để thu thêm thuế, tăng GDP.
Giờ đây, chúng ta phải bảo vệ môi trường bằng mọi giá. Chính phủ và các địa phương cần xem xét lại chiến lược phát triển kinh tế cũng như chính sách thu hút vốn FDI, từ chối thẳng thừng những dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường đã ban hành liên quan đến các ngành công nghiệp, nâng cấp chúng nếu cần.
Quan trọng nhất, chế tài đối với các vi phạm phải được áp dụng nghiêm minh, bất kể đó là đại diện doanh nghiệp hay đại diện cơ quan quản lý nhà nước.
Xin hãy nhớ, phát triển bền vững cũng là một cách bảo vệ chủ quyền đất nước!