Paris chú tâm chuyển trục sang châu Á

Theo thoibaonganhang.vn

Từ lâu châu Á được xem như là một “góc chết” trong chính sách đối ngoại của Pháp. Nhưng từ những năm 1990, châu lục đã thu hút sự quan tâm chiến lược của Pháp dù cho sự chuyển hướng đó của Paris vẫn khá dè dặt. Nhưng trước chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á, Paris buộc phải dần tăng tốc hợp tác với châu Á theo cách riêng của mình.

Châu Á ngày càng trở nên quan trọng trong chính sách ngoại giao của Pháp
Châu Á ngày càng trở nên quan trọng trong chính sách ngoại giao của Pháp

Hiện diện đa dạng

Ngay từ năm 1964, tướng De Gaulle đặt cơ sở đầu tiên với bài diễn văn (ở Phnom Penh), chỉ trích Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tổng thống François Mitterand còn đi xa hơn như vào năm 1991 có được thỏa thuận Paris về Campuchia và năm 1993 ông là nguyên thủ Pháp đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ năm 1945, khi “đất nước hình chữ S” vẫn bị Mỹ cấm vận.

Say mê văn hoá châu Á, Tổng thống Jacques Chirac cùng với cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khởi động đối thoại Á - Âu (ASEM), nhằm làm đối trọng với Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), do Mỹ khởi xướng.

Vào thời điểm đó, ông Chirac đã cố gắng thiết lập quan hệ ưu tiên với Trung Quốc, sau nhiều năm gián đoạn do các vấn đề chính trị. Tầm nhìn chính trị của Pháp còn vươn tới tận Nhật Bản. Chính tại đây, Pháp đã duy trì thành công các mối quan hệ đầy tham vọng, bất chấp cuộc tranh cãi trong nước do việc nối lại các vụ thử hạt nhân vào năm 1995.

Đến đời Tổng thống Nicolas Sarkozy, quan hệ song phương với Trung Quốc trở nên trắc trở do cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, thất bại ngoại giao phát sinh từ cuộc rước đuốc Olympic tại Paris và cuối cùng là hành động can thiệp trực tiếp của Pháp tại Libya. Do đó, ông Sarkozy tìm cách thực hiện một chính sách tái cân bằng hướng đến các nước mới nổi, đi đầu là Ấn Độ và Indonesia.

Về phần mình, ông Francois Hollande, ngay khi trở thành Tổng thống nước Pháp, đã không giấu giếm thiện chí đa dạng hoá sự hiện diện của nước Pháp tại châu Á - Thái Bình Dương, dù biết là phải cạnh tranh trực tiếp với chiến lược “xoay trục” về hướng Đông của Mỹ, khi muốn làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Để đánh dấu bước ngoặt này, vào tháng 8/2013, ông Laurent Fabius, cựu Ngoại trưởng Pháp, đã đến thăm trụ sở của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong bài phát biểu, ông nêu bật chiến lược mới của Pháp và vai trò hàng đầu mà châu Á nắm giữ trong nền kinh tế thế giới, đồng thời nêu rõ Chính phủ mới của Pháp xem việc phát triển các mối quan hệ với châu Á là một ưu tiên.

Thương mại đa phương

Việc tái định vị này của Pháp diễn ra trong bối cảnh một loạt các hiệp định tự do trao đổi mậu dịch được ký kết. Một trong những thỏa thuận quan trọng nhất trong số đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu được nghị viện của các nước liên quan phê chuẩn, hiệp định sẽ tạo ra một khu vực trao đổi tự do mậu dịch lớn nhất thế giới. TPP - liên quan đến 12 quốc gia gồm Mỹ, Canada, Mexico, Chile, Peru, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Australia và New Zealand - chiếm đến 40% GDP toàn cầu.

Châu Á là đối tác kinh tế thứ hai của Pháp, 18% các cơ sở làm ăn của Pháp trên toàn cầu đều tập trung tại châu lục này. Trong đó, chỉ tính riêng tại Nhật Bản, Australia, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã tập trung đến 80% các chi nhánh của Pháp. Mặc dù muốn tiếp tục chính sách “đối tác toàn diện” do cựu Tổng thống Chirac kiến lập với Trung Quốc năm 1997, nhưng ông

Hollande không muốn chỉ tập trung vào một điểm được cho là quá quan trọng đó, vào lúc mà cường quốc kinh tế thứ hai thế giới đang trở thành đối tượng của một cuộc tranh giành ngày càng gia tăng giữa các đối tác châu Âu, đặc biệt là Đức và thâm hụt thương mại vẫn là lực cản.

Để thực hiện mục tiêu đó Chính phủ Pháp đã lên chương trình một chuỗi các chuyến công du đến Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam. Trong bối cảnh của chính sách ngoại giao chủ yếu mang đậm chất kinh tế, Paris cũng không bỏ qua những nền kinh tế mới nổi ở bậc thấp hơn như Philippines và Lào.

Đầu tháng Ba vừa qua, Ủy ban ASEAN tại Thủ đô Paris (ACP) đã tổ chức buổi lễ gặp mặt giới thiệu về Cộng đồng ASEAN (AEC), ra đời vào ngày 31/12/2015. Tại buổi lễ này, ông Philippe Varin, đặc sứ chuyên trách quan hệ kinh tế với các nước ASEAN cho rằng, việc thành lập AEC là tín hiệu tốt cho việc mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Pháp và các nước ASEAN trong tương lai.

Theo ông Varin, trao đổi thương mại giữa Pháp với các nước ASEAN năm 2015 đạt tổng giá trị 27,5 tỷ euro, trong đó xuất khẩu chiếm 13,3 tỷ euro và nhập khẩu là 14,2 tỷ euro.

Nếu không tính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pháp, sau Mỹ và Trung Quốc, xếp trên Nhật Bản. Ông Varin đánh giá, thị trường ASEAN rất ổn định và phát triển năng động nhưng cũng gặp phải một số khó khăn như sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, sự khác biệt ngôn ngữ, tiêu chuẩn, sự chênh lệch về trình độ sản xuất trong các lĩnh vực năng lượng và nguyên vật liệu…

Có thể nói là một cường quốc hạng trung và phải cạnh tranh với chính sách của Mỹ, Paris đã chọn chiến lược đi vòng, cho dù là khá rụt rè. Trong bối cảnh khủng hoảng chủ nghĩa tư bản ngày càng trầm trọng, bất chấp lời cảnh báo của Mỹ, Pháp đã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Đòn bẩy tài chính cho dự án vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa, nối liền Trung Quốc với các thị trường châu Âu, đi ngang qua Nga, Trung Á, Trung Đông và Đông Âu.

Dự án đầy tham vọng nhưng còn chứa đựng cả “một tầm nhìn chính trị, nhằm chống khủng bố bằng cách phát triển kinh tế”, như lời nhận định của cựu Thủ tướng Dominique de Villepin. Theo ông, Con đường Tơ lụa rất có thể cũng sẽ góp phần tạo thành một nền tảng đa phương mới, cho phép nước Pháp đầu tư trên trường chính trị, không chỉ đơn giản là kinh tế và quân sự, đặt châu Á thành một thách thức hàng đầu.