Phải hòa giải trước khi kiện
(Tài chính) Ngày càng nhiều trường hợp sử dụng những “công cụ” phi chính thống, phi nhà nước như đòi nợ thuê, xã hội đen. Trong xã hội, khi niềm tin vào công lý giảm sút thì khó mà nói đến đầu tư hay mở rộng đầu tư.
Khi có tranh chấp thương mại, các bên nên ưu tiên giải quyết bằng tranh chấp thay vì đưa ra Tòa án, trọng tài. Đây là khuyến cáo của bà Decly Lagones de Anglim, Giám đốc điều hành Trung tâm giải quyết tranh chấp Australia.
Ngày 16/10, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức Hội thảo về sử dụng phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại và quốc tế.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Decly Lagones de Anglim cho biết, tại Australia, có nhiều văn bản liên quan đến trung gian hòa giải. Ví dụ đạo Luật về giải quyết tranh chấp dân sự quy định các bên tranh chấp và luật sư phải thực hiện các biện pháp mang tính hòa giải trước khi khởi kiện. Nếu luật sư không có hành động hòa giải cụ thể sẽ bị tòa kết luận và phạt.
Các văn bản pháp luật của Australia cũng có quy định nhằm thúc đẩy các cơ quan Chính phủ sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp trước khi đưa ra tòa. Các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Hồng Kông đều có quy định yêu cầu sử dụng trung gian hòa giải trước khi ra tòa.
Còn tại Việt Nam, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho biết, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách tư pháp, tuy nhiên, tình hình khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến dân sự, thương mại và những bất đồng trong xã hội không có xu hướng giảm.
Không chỉ thế, ngày càng nhiều trường hợp sử dụng những “công cụ” phi chính thống, phi nhà nước như đòi nợ thuê, xã hội đen. Trong xã hội, khi niềm tin vào công lý giảm sút thì khó mà nói đến đầu tư hay mở rộng đầu tư.
Theo ông Huỳnh, phân tích Chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) trong 8 năm qua cũng cho thấy, niềm tin vào việc giải quyết tranh chấp bằng phương pháp chính thống như tòa án, trọng tài, hòa giải là chưa có. Đây cũng là chỉ số thấp trong các chỉ số thành phần của PCI trong 8 năm qua.
“Các doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư nên tự đi tìm một cách thức mới, trong đó điểm quan trọng là nâng cao vai trò tự quản của xã hội” – ông Huỳnh nói.
Được biết, Bộ Tư pháp đang soạn thảo Nghị định về hòa giải thương mại nhằm hướng tới phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự thay vì đưa ra Tòa án, trọng tài.
Việc kiện tụng ra Tòa án, Trọng tài thường khiến các bên tốn nhiều thời gian giải quyết, tốn chi phí. Do đó nếu hòa giải được, sẽ giúp ích cho tất cả các bên.