Phải lấy hội nhập làm môi trường phát triển
(Taichinh) - Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, các chỉ số vĩ mô đạt được thời gian qua cho thấy, về tổng thể nền kinh tế nước ta đã có tín hiệu phục hồi rõ rệt.
Bước sang năm 2015, với cơ hội là việc vừa ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, tiến tới thúc đẩy kết thúc đàm phán gia nhập TPP, chúng ta phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và thực hiện nguyên tắc kinh tế thị trường.
Phải lấy hội nhập làm môi trường phát triển và lấy kinh tế thị trường làm nguyên tắc điều hành nền kinh tế. Có như thế mới có thể nắm bắt được cơ hội và hạn chế tối đa khó khăn, thách thức.
Kinh tế đã có tín hiệu phục hồi rõ rệt
Hôm nay, Quốc hội (QH) dành trọn một ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015. Xin ông cho biết những điểm nổi bật của nền kinh tế nước ta thời gian qua?
Năm 2014 cơ bản chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Sau 3 năm liên tiếp không đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của QH, 2014 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, đạt 5,98% so với mục tiêu 5,8% QH đề ra. Nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt kế hoạch.
Đặc biệt đáng mừng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đánh giá mức độ lạm phát, ở mức 4,09%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là năm đầu tiên trong nhiều năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta cao gấp rưỡi so với tốc độ tăng CPI. Điều đó phản ánh rằng ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì.
Cùng với đó là các chỉ tiêu về cán cân thanh toán, cán cân thương mại… đều thặng dư. Đồng tiền Việt Nam so với đồng USD và giá vàng trên thị trường ổn định, cho thấy công tác quản lý giá USD và giá vàng bắt đầu đi vào nền nếp. Các chỉ số như vậy cho thấy, về tổng thể nền kinh tế nước ta đã có tín hiệu phục hồi rõ rệt sau khi chạm đáy vào năm 2013. Điều đó thể hiện khá rõ nét qua kết quả về thu ngân sách nhà nước, là công-tơ-mét phản ánh tình hình của nền kinh tế, sau mấy năm khó khăn và hụt thu ngân sách trung ương năm 2013 thì đến năm 2014 thu ngân sách nhà nước đã vượt dự toán QH giao khá cao.
Mặc dù kinh tế nước ta đã bắt đầu phục hồi, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì vẫn còn nhiều khó khăn. Ví dụ, số lượng các doanh nghiệp đổ vỡ hoặc dừng hoạt động còn cao, trong khi số doanh nghiệp phục hồi và đi vào sản xuất kinh doanh ổn định chưa nhiều.
Thị trường bất động sản, chứng khoán đã ấm lên, nhưng chưa đi vào quỹ đạo ổn định và phát triển… Tình hình đó cho thấy kinh tế - xã hội nước ta ổn định nhưng trong điều kiện khó khăn, chứ chưa phải đã tạo ra những bước nhảy vọt hay đột phá.
Nối tiếp đà phục hồi của năm 2014, trong quý I.2015, lần đầu tiên sau nhiều năm liên tiếp, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đạt trên 6%... Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả này?
Bước vào năm 2015, tiếp đà của năm 2014, đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, QH đã khẳng định sẽ có chuyển biến tích cực. Không ngoài dự báo, ngay đầu năm, trong quý đầu tiên, tăng trưởng kinh tế đạt 6,03%. Có ý kiến ngạc nhiên trước tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy. Song, tôi cho rằng, đây là kết quả của cả quá trình trước đó, chứ không phải riêng của quý I/2015.
Chúng ta biết rằng, từ nhiệm kỳ trước, QH đã nói rằng, nền kinh tế phải đạt tăng trưởng trên 6%, còn nếu đạt dưới 6% thì các cân đối vĩ mô sẽ gặp nhiều khó khăn. Chỉ số CPI cũng được kiểm soát ở mức thấp, mặc dù trong quý I có tháng Tết (thường là thời gian có sự biến động về giá cả hàng hóa tiêu dùng do nhu cầu của người dân tăng cao).
Thu ngân sách nhà nước đạt khá, trong 4 tháng đầu năm 2015 ước đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, bảo đảm tiến độ thu ngân sách, mặc dù chúng ta ban hành và thực thi một số chính sách hạ thuế suất, giảm gánh nặng nộp thuế cho người dân. Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động hơn.
Và quan trọng nhất là vừa rồi chúng ta đã có kết quả cụ thể trong cải cách thể chế - một trong ba khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đột phá về thể chế thể hiện đầu tiên ở việc cổ phần hóa được đẩy mạnh, giúp tạo nên một lượng sản phẩm nhất định cho thị trường tài chính, chứng khoán.
Hai là, chúng ta có đột phá vào lĩnh vực hoạt động của ngân hàng thương mại, từng bước giải quyết được nợ xấu, nới rộng tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng USD, tất nhiên sự nới rộng này vẫn nằm trong biên độ cộng, trừ 2%. Điều này có nghĩa chúng ta không đánh đổi tăng trưởng kinh tế lấy sự mất ổn định của kinh tế vĩ mô.
Vừa qua, mặc dù chưa nhiều, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trở lại đã tăng với số vốn đăng ký cao hơn. Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đối ổn định. Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đã có bước phục hồi. Các chính sách về thuế bắt đầu phát huy tác dụng với hầu hết các chính sách thuế đều giảm, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Vừa rồi, chúng ta chỉ tăng một loại thuế bảo vệ môi trường (dự kiến thu được 11 nghìn tỷ đồng) nhưng lại giảm thuế xuất nhập khẩu tương ứng (tương ứng khoảng 13 nghìn tỷ đồng).
Như vậy, về mặt con số thì ngân sách nhà nước sẽ hụt 2 nghìn tỷ đồng và đương nhiên đồng tiền từ việc giảm thuế này sẽ chảy vào các doanh nghiệp.
Trong hội nhập, tất cả doanh nghiệp phải lên sàn đấu
Bàn về năm 2015, có lẽ một trong những sự kiện quan trọng không thể không nhắc tới là việc Việt Nam vừa ký kết tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội cũng như thách thức mà các hiệp định này mang lại đối với nền kinh tế nước ta?
Rất mừng là vừa qua chúng ta đã ký kết thành công một số hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và đang tiến tới kết thúc đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên châu Á - Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù còn nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc chúng ta có đủ sức để nắm bắt được cơ hội mà các hiệp định này mang lại hay không?
Nhưng theo quan điểm của tôi, chúng ta phải bảo đảm việc hội nhập càng nhanh càng tốt. Tất nhiên, đã ra biển lớn sẽ phải gặp sóng to, thậm chí có những con thuyền có thể bị gãy cột buồm, nhưng với tinh thần là gãy cột buồm này ta phải dựng cột buồm khác, không còn cách nào khác là phải vươn lên mạnh mẽ. Chúng ta phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng và thực hiện nguyên tắc kinh tế thị trường - đấy là tư duy phát triển. Phải lấy hội nhập làm môi trường phát triển và lấy kinh tế thị trường làm nguyên tắc điều hành nền kinh tế. Có như thế chúng ta mới có thể nắm bắt được cơ hội và hạn chế tối đa khó khăn, thách thức, chứ nếu chỗ này, chỗ kia còn tư duy bao cấp thì chưa thể hết khó khăn. Tiếp đó, chúng ta phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Ví dụ vừa qua, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp đã được giảm từ hơn 800 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm, giúp giảm rất nhiều chi phí cho xã hội, đó là một kết quả rất tốt.
Trong câu chuyện hội nhập này, quan điểm của tôi là tất cả các doanh nghiệp phải lên sàn đấu. Thậm chí chúng ta phải chấp nhận việc có doanh nghiệp đổ vỡ. Doanh nghiệp nào đã mạnh là mạnh thật sự. Không nên để tình trạng tất cả đều sống, nhưng có trường hợp dở sống, dở chết. Không đâu cọ xát chính bằng chính thị trường cạnh tranh. Môi trường cạnh tranh của thị trường làm cho các doanh nghiệp phát triển. Khi bảo đảm tính bình đẳng trước cơ chế thị trường thì sẽ bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
Liên quan tới việc nắm bắt cơ hội từ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ông có nói đến lĩnh vực nông nghiệp và câu chuyện nông dân sản xuất hàng hóa lớn. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về lĩnh vực liên quan đến 70% dân số nước ta?
Thực tế, nếu chúng ta cứ để nền nông nghiệp phát triển như hiện nay, để cho nông dân như thế này thì không thể nào có nền nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phù hợp với kinh tế thị trường.
Tất cả các chính sách, chiến lược của chúng ta đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tôi có cảm giác mới giải quyết cho câu chuyện trước mắt mà chưa dành nhiều cho chiến lược lâu dài. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải biến nông dân Việt Nam trở thành nông dân sản xuất hàng hóa, đi theo kinh tế thị trường (đương nhiên không phải thị trường thuần túy mà có định hướng XHCN), chứ không thể mãi là nông dân tự cung, tự cấp như ở một số vùng hiện nay.
Nghiên cứu về sự khác nhau giữa nông dân miền Nam và các vùng khác của nước Nga, Lênin đã so sánh rất hay, giữa nông dân miền Nam với nông dân các vùng khác của nước Nga, ở đây họ giàu có hơn, cái gì họ cũng có, từ cừu, dê, bò đến lúa mỳ… nhưng vẫn là tự cung, tự cấp.
Trong khi đó, nông dân miền Nam lại sản xuất hàng hóa. Có thể lượng giá trị tài sản của hộ nông dân miền Nam ít hơn nhiều so với nông dân vùng khác, nhưng họ có tiền nhờ sản xuất hàng hóa, giải quyết vấn đề sản xuất thông qua thị trường. Còn nông dân vùng khác thì giàu có nhưng lại không có tiền. Như vậy chất lượng người dân miền Nam đã vượt và ở một trình độ cao hơn so với nông dân các vùng khác.
Quay trở lại với câu chuyện nông dân Việt Nam, chúng ta có nên tiếp tục bao cấp như bây giờ không. Nông dân có nên cứ tiếp tục sản xuất ra những mặt hàng mà chẳng biết bán cho ai không? Tôi nghĩ là không thể được. Chúng ta không thể nào cứ mãi loay hoay câu chuyện được mùa - mất giá, năm nào nông sản cũng ùn ứ ở cửa khẩu.
Như Ăngghen nói: phải để cho nông dân suy nghĩ trên mảnh đất của mình. Cho nên, không thể để Nhà nước nghĩ hộ, bao cấp, bao bọc, thậm chí có ý kiến đề nghị Nhà nước cần đứng ra mua, bán sản phẩm (không theo nhu cầu của thị trường) do nông dân làm ra. Sản xuất - cung ứng - thị trường phải có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, thực hiện thông qua cơ chế thị trường. Đây là mối quan hệ giữa giữa sản xuất và thị trường, giữa cung và cầu, phải được thực hiện theo quy luật giá trị. Nhà nước chỉ đóng vai trò là bà đỡ, tạo môi trường thông thoáng mà thôi.
Phải có đột phá trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Biến nông dân Việt Nam thành nông dân sản xuất hàng hóa, đi theo kinh tế thị trường. Đây có phải lý do, tại phiên thảo luận ở tổ, ông đề xuất trong mối liên kết 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nước), doanh nghiệp phải giữ vai trò trung tâm?
Trong điều kiện hiện nay của nước ta thì Nhà nước trước hết phải tạo được môi trường pháp lý tốt, chính sách ổn định, giảm và tiến tới chấm dứt hỗ trợ theo kiểu bao cấp. Thứ hai, phải hết sức chú ý cung cấp thông tin có tính chất thông báo, dự báo về thị trường cho người dân và tăng cường công tác quy hoạch. Thứ ba, phải tổ chức lại mô hình liên kết 4 nhà, trong đó khẳng định doanh nghiệp là trung tâm, là người mở ra thị trường, đưa phương tiện, khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân, xây dựng quan hệ với các nhà khoa học thông qua thị trường khoa học công nghệ…
Các chính sách ban hành thời gian qua đã và đang theo hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm. Rõ nhất thể hiện ở chính sách thuế, theo đó, những doanh nghiệp nào đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đều có cơ chế ưu đãi, khuyến khích, hay tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi trong trường hợp vay mua sản phẩm cho nông dân.
Và đích đến phải là có nền nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Hiện nay, về số lượng nông sản, chúng ta đã bảo đảm khá tốt, đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, tiêu, điều, cà phê… đây là những thành quả lớn của gần 30 năm đổi mới. Nhưng có lẽ câu chuyện cần bàn ở đây là giá trị kinh tế, giá trị gia tăng từ xuất khẩu các hàng hóa ấy mang lại là bao nhiêu? Đấy mới là cơ chế thị trường.
Nếu sản xuất nhiều mà bán được ít hoặc không bán được và hiệu quả, giá trị kinh tế thấp thì có lẽ cũng không bằng họ sản xuất ít mà hiệu quả kinh tế cao. Ở đây liên quan đến câu chuyện cuối cùng thu nhập nông dân là bao nhiêu? Thực tế, nông dân Việt Nam hiện chủ yếu là lấy công làm lãi, chứ lợi nhuận chưa được nhiều.
Vậy đâu là giải pháp cho lĩnh vực vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế này, thưa ông?
Phải có đột phá trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Như một con tàu vào ga, phải là toa tàu cuối cùng vào được ga thì đoàn tàu mới hoàn thành chuyến đi. Nếu đầu tàu, ở đây có thể hiểu là công nghiệp - dịch vụ, đã vào ga, nhưng cái đuôi tàu là nông nghiệp, chiếm tới 70% dân số, vẫn nằm ngoài thì thật khó để nói chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho nên phải giúp đỡ để nông nghiệp thật sự thay đổi.
Sự thay đổi trong nông nghiệp sẽ tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác. Vì xét cho cùng sự chuyển đổi của nền kinh tế từ một nước nông nghiệp sang nước công nghiệp phải thay đổi từ nông nghiệp. Lao động trong nông nghiệp không thể mãi như cũ, tỷ lệ cần giảm, tích tụ ruộng đất phải tăng lên, cần phải mạnh dạn cho tích tụ ruộng đất. Bàn về ruộng đất, Lênin đã nói, muốn có lợi nhuận thì nông dân phải có diện tích đất đai ở mức minimum (mức tối thiểu).
Nếu không có diện tích đất đai minimum đó, thì anh có làm bao nhiêu chăng nữa cũng chỉ thua lỗ mà thôi. Cho nên mới có tình trạng nhiều hộ nông dân bỏ ruộng vì diện tích đất quá ít, không đủ canh tác. Do đó, phải có tích tụ ruộng đất, lúc đó mới cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Khi đó, một bộ phận lớn nông dân dư thừa sẽ chuyển từ đồng ruộng vào nhà máy…
Hiện nay, công nhân của chúng ta đã thực sự là công nhân chưa, thực sự gắn bó với nhà máy, với công nghiệp chưa, hay là công nhân nhưng một nửa tư tưởng và hành động là nông dân?
Ví dụ, chúng ta hình dung một bên là nhà máy, một bên là đồng ruộng. Nông dân của chúng ta có thể bước vào nhà máy, nhưng khi không thích có thể bỏ nhà máy, về với mảnh ruộng của mình. Nên mới có câu chuyện, cứ sau Tết hay sau kỳ nghỉ dài ngày thì các nhà máy lại cuống lên vì lao động tự ý bỏ việc.
Cho nên, chúng ta muốn có một đội ngũ công nhân theo đúng nghĩa chắc cần một thời gian dài. Phải có cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên không nên làm nhiều mà tập trung vào thủy lợi, điện, đường, trường, trạm đồng thời cần chú ý đến việc củng cố quan hệ sản xuất cho phù hợp với lực lượng sản xuất ở nông thôn, không chỉ dừng ở các hộ sản xuất nhỏ mà phải chuyển sang hộ sản xuất quy mô lớn, kinh tế trang trại trong nông nghiệp.
Một bộ phận công nghiệp phải quay trở lại phục vụ cho nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, và nông nghiệp phải gắn chặt với công nghiệp. Đấy là tư duy phát triển. Khi ấy, câu chuyện chúng ta hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do và sắp tới là TPP sẽ tận dụng được cơ hội và hạn chế khó khăn, thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp và trước hết không để nông nghiệp bị thua ngay trên sân nhà.
Xin cám ơn ông!