Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi - Cần tính toán phù hợp với tình hình địa phương

Theo Nhi Trần - Trúc Ly/Báo Tây Ninh

Việc phân cấp phù hợp với khả năng cân đối ngân sách các cấp, tạo điều kiện cho các ngành và địa phương nâng cao tính chủ động, vai trò và trách nhiệm trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách; khuyến khích các địa phương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi sử dụng ngân sách hiệu quả.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, vật liệu composite chống ăn mòn. Ảnh: Trúc Ly
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, vật liệu composite chống ăn mòn. Ảnh: Trúc Ly

Thực hiện Nghị quyết số 34/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh, Quyết định số 45/2016/QĐ-UBND ngày 9/12/2016 của UBND tỉnh Tây Ninh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020, việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách được UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc thực hiện.

Phân cấp quản lý ngân sách giữa các cấp chính quyền là nội dung cốt lõi trong phân cấp quản lý của Nhà nước và đang trở thành chủ đề được quan tâm hiện nay.

Phân cấp ngân sách nhà nước: Tăng tính chủ động cho địa phương

Trong quá trình thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2017-2020, các cơ quan, đơn vị ở các địa phương luôn chủ động khai thác nguồn thu được phân cấp gắn với quản lý thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn.

Việc phân cấp phù hợp với khả năng cân đối ngân sách các cấp, tạo điều kiện cho các ngành và địa phương nâng cao tính chủ động, vai trò và trách nhiệm trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách; khuyến khích các địa phương phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi sử dụng ngân sách hiệu quả.

Theo bà Đoàn Thị Minh Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh mức phân cấp nguồn thu nhìn chung phù hợp với yêu cầu phân cấp quản lý kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng an ninh và trình độ quản lý của huyện, xã; bảo đảm nguồn thu, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát triển KT-XH và giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.

Giai đoạn 2017-2020, ngoài việc ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu để thực hiện các nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản và các chính sách phát sinh trên địa bàn, ngân sách huyện sử dụng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm để tăng chi xây dựng cơ bản và thực hiện các nhiệm vụ KT-XH phát sinh trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện nay, ngân sách huyện chưa bảo đảm vai trò chủ đạo để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trên địa bàn và phát triển đồng đều giữa các xã, thị trấn. Trong giai đoạn 2017-2020, bình quân số thu được hưởng theo phân cấp của ngân sách huyện chiếm trung bình 38,5% so với tổng thu được hưởng của toàn huyện (không tính số thu kết dư và thu chuyển nguồn từ năm trước sang), qua đó cho thấy ngân sách huyện chưa tự cân đối được thu, chi; cần nguồn bổ sung từ ngân sách cấp trên để thực hiện các chính sách an sinh, xã hội và các nhiệm vụ phát sinh trong năm trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, địa phương đã khai thác hiệu quả các nguồn thu, chủ động cân đối ngân sách. Mặc dù tiến độ thực hiện dự toán thu cân đối đạt khá, nhưng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro như giá cả nông sản biến động thất thường, nhu cầu mua sắm phát sinh thấp làm giảm nguồn thu của huyện.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền chậm nộp mà doanh nghiệp nợ thuế phải nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tăng theo từng ngày cũng làm tăng tỷ lệ nợ thuế chung, số thuế không có khả năng thu chưa xử lý được, vì doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh không hiệu quả.

Bà Phượng cho biết thêm, việc phân cấp nguồn thu được xây dựng trên cơ sở giá cả tại thời điểm năm ngân sách, tỷ lệ điều tiết ngân sách tỉnh cho ngân sách địa phương cũng cần ổn định trong giai đoạn 2022-2025 để bảo đảm tính ổn định.

Đồng thời, phân cấp NSNN phải bảo đảm các nguồn lực để bổ sung cho các địa phương- đặc biệt đối với huyện đặc thù biên giới, xã biên giới, xã khó khăn, qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cơ chế phân cấp NSNN phải giao quyền chủ động cho các địa phương tăng thu, tiết kiệm chi NSNN để có nguồn lực phát triển kinh tế trên địa bàn.

Theo bà Lê Thị Hồng Thắm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, việc phân cấp tối đa các khoản thu, sắc thuế do địa phương quản lý trực tiếp tạo điều kiện và khuyến khích địa phương phấn đấu tăng thu; công khai minh bạch trong phân bổ ngân sách, quản lý chi ngân sách bảo đảm hiệu quả.

Bà Thắm đưa ra một số kiến nghị như: phân cấp thu theo hướng xoá dần các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm cho ngân sách cấp phường, xã, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cấp ở địa phương điều hành ngân sách hiệu quả, tiết kiệm; việc thực hiện phân cấp quản lý ngân sách giai đoạn 2017-2020 là phù hợp, giúp địa phương phát huy vai trò và tăng tính chủ động trong điều hành ngân sách.

Tuy nhiên, đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được giao cho địa phương thực hiện hằng năm, tỷ lệ vốn đối ứng hỗ trợ cho công tác này chưa đáp ứng các đề án, Thị xã phải chi hỗ trợ thêm cho các phường, xã rất nhiều.

Còn theo UBND huyện Bến Cầu, địa phương đề nghị phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025 cho từng cấp (tỉnh, huyện, xã) tiếp tục kế thừa các tiêu chí, lĩnh vực trước đây. Tuy nhiên, định mức chi không còn phù hợp; cần tính toán tỷ lệ trượt giá hằng năm để xây dựng định mức cho phù hợp tình hình thực tế và cập nhật, bổ sung định mức ngân sách đối với các nhiệm vụ phát sinh thêm trong thời kỳ ngân sách 2022-2025.

UBND huyện Bến Cầu đã khảo sát, đánh giá các khoản thu còn tiềm năng, trong đó, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trong dân còn rất lớn, cần tăng cường vận động để người dân thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai về sử dụng đất và góp phần tăng thu cho ngân sách.

Nguồn thu từ hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng vãng lai ngoài tỉnh đã được kiểm soát và theo dõi thu thuế hằng năm, nhưng số thu bị giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện, tỉnh được kiểm soát thì đây cũng là nguồn thu có tiềm năng trong thời gian tới.

Kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách huyện, thành phố

Theo UBND huyện Châu Thành, điểm còn hạn chế trong phân cấp ngân sách hiện nay đó là các nguồn thu được phân chia 100% cho ngân sách địa phương thường là những sắc thuế có hiệu suất thu thấp và không bền vững.

Trong các nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng 100% thì các khoản thu từ đất đai khá lớn. Tuy nhiên, các khoản thu này thường có tính chất thu một lần, như thu từ giao quyền sử dụng đất, không có tác động nhiều đến phát triển bền vững của địa phương.

Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành đề xuất UBND tỉnh Tây Ninh xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách huyện từ 20% lên 25% đối với các khoản thu do cấp tỉnh quản lý, nguồn thu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh).

Với tỷ lệ điều tiết và mức khoán chi ổn định trong nhiều năm, để đáp ứng nhu cầu chi trong điều kiện phát triển KT-XH ở địa phương, UBND huyện hằng năm đều phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, dành nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi do tăng, bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu chi phát sinh trong giai đoạn mới và các chế độ, chính sách mới đối với lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, tuần tra nhân dân, công an xã, thù lao của các hội đặc thù, đội công tác tình nguyện...

Vì vậy, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh, Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh xem xét giao chỉ tiêu thu trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đồng thời, tăng tỷ lệ được hưởng theo phân cấp để huyện bảo đảm chi các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Còn tại TP. Tây Ninh, giai đoạn 2017-2020, ngoài phân cấp được hưởng 100% các nguồn thu do Thành phố và xã, phường quản lý thu, Thành phố còn được hưởng tỷ lệ điều tiết 10% đối với thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực công thương nghiệp, ngoài quốc doanh do tỉnh quản lý.

Trên cơ sở nguồn thu được phân cấp và nhiệm vụ chi phải bảo đảm, thành phố đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách bình quân hằng năm từ 12%-15%, chi tiêu tiết kiệm, tích luỹ để từng bước tăng chi đầu tư.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, việc phân cấp nguồn thu cơ bản phù hợp quy định của Luật Ngân sách và gắn với phân cấp quản lý KT-XH. Các nội dung phân cấp cụ thể, rõ ràng, phù hợp với năng lực quản lý của địa phương. Do vậy, nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng sau điều tiết cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chi thường xuyên và một số nhiệm vụ đột xuất trên địa bàn.

Theo đánh giá của UBND TP. Tây Ninh, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, dự toán chi cơ bản bảo đảm các nhiệm vụ chi do tỉnh phân cấp, đáp ứng yêu cầu hoạt động thường xuyên của các cơ quan Đảng, đoàn thể và bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, từ năm thứ hai trở đi, về cơ bản nhiệm vụ chi được phân cấp không có gì thay đổi, nhưng mức chi tăng do điều chỉnh tăng chế độ, phát sinh chính sách mới, hoặc tăng chi theo đà phát triển đi lên của địa phương... mà năm đầu tính toán cho thời kỳ ổn định ngân sách 5 năm tỉnh chưa lường trước và tính toán đầy đủ để phân cấp nhiệm vụ thu bảo đảm nhu cầu chi tiêu cho địa phương, như chế độ, chính sách mới đối với lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, tuần tra nhân dân, công an xã, thù lao các hội đặc thù, đội công tác tình nguyện...

Mặt khác, chi sự nghiệp kiến thiết thị chính, sự nghiệp môi trường với việc đẩy mạnh phát triển, nâng cấp đô thị, hệ thống đường giao thông, công viên được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới; lắp đặt điện chiếu sáng theo các tuyến đường, công viên cũng tăng theo... nên nhu cầu chi tiêu các sự nghiệp này đã tăng gấp 2-3 lần so dự toán giao năm đầu phân cấp ngân sách.

Cụ thể, năm đầu phân cấp tỉnh giao dự toán chi sự nghiệp kiến thiết thị chính 6,95 tỷ đồng và sự nghiệp môi trường là 18,19 tỷ đồng. Đến năm 2020, số thực hiện chi sự nghiệp kiến thiết thị chính là 28,418 tỷ đồng, sự nghiệp môi trường là 28,924 tỷ đồng, nhưng tỉnh chỉ giao mức chi nhiệm vụ này như năm đầu phân cấp.

UBND TP. Tây Ninh cho biết, với việc tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ thu theo phân cấp, nhiều năm nay, Thành phố đã tự cân đối ngân sách, hằng năm, ngoài đáp ứng cơ bản nhu cầu chi thường xuyên còn tăng chi đầu tư và hỗ trợ để các xã, phường cân đối ngân sách.

Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh phát triển TP. Tây Ninh, trọng tâm là nâng cấp đô thị, không chỉ nhu cầu chi đầu tư rất lớn, rất nhiều, mà chi thường xuyên cũng đòi hỏi ngày càng nhiều, nhất là chi các sự nghiệp giáo dục, đào tạo; công ích đô thị, vệ sinh môi trường.

Với tỷ lệ điều tiết và mức khoán chi ổn định trong nhiều năm, để đáp ứng nhu cầu chi trong điều kiện phát triển Thành phố như hiện nay, Thành phố và xã, phường phải ra sức phấn đấu tăng thu, chi tiêu tiết kiệm và tăng dần tích luỹ; nhưng số tăng thu, số tích luỹ có được phải bù đắp các nhiệm vụ chi do tăng chế độ, chính sách như năm qua chưa thể hiện tính động viên, khuyến khích các ngành, các cấp nỗ lực phấn đấu tăng thu, UBND Thành phố kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh và Sở Tài chính khi ban hành các chế độ, chính sách mới cần tính toán cân đối hỗ trợ đủ nguồn cho địa phương thực hiện.

UBND TP. Tây Ninh cũng kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố đối với các nguồn thu phân chia giữa tỉnh và Thành phố, cụ thể như: thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhà nước (Trung ương và địa phương quản lý), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực công thương nghiệp, ngoài quốc doanh do tỉnh quản lý: từ 10% lên 20%. Ngoài ra, phân cấp nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất trên địa bàn Thành phố khi thực hiện kêu gọi đầu tư.