Phấn đấu tăng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối lên trên 80%
(Tài chính) Tại Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để phát triển thị trường trong nước, đưa hàng Việt đến tay người dân ở các vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo, là động lực phát triển kinh tế đất nước theo hướng tăng cường sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, hàng Việt vẫn chưa chiếm ưu thế chủ đạo ở thị trường nội địa, bởi năng lực sản xuất hàng hóa có yếu, chất lượng chưa ổn định. Để thực hiện được Đề án thì các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hết sức trong thời gian tới. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ của nước ta còn nhiều khoảng trống để mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 18-20%, các loại hình bán lẻ đa dạng và hiện đại còn nhiều tiềm năng.
Theo Phó tổng giám đốc siêu thị Nguyễn Kim Huỳnh Văn Rô, để đưa bán lẻ của Việt Nam và quyền lợi người tiêu dùng ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới, cần tạo dựng những trung tâm mua sắm đầy đủ tiện nghi và cung cách phục vụ phù hợp, thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng. Đối với sản phẩm Việt Nam đưa vào hệ thống nên chú trọng tới chất lượng và giá cả, giá cao so với sản phẩm nước ngoài cùng loại sẽ cản trở phát triển sản xuất, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp cần thực hiện, trong đó, nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững sẽ xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia (có tính liên kết vùng miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam trên thị trường trong nước; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bán hàng Việt theo hướng bền vững...
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền cho biết, phân khúc thị trường nông thôn, hải đảo và biên giới là phân khúc quan trọng và mới mà doanh nghiệp nên hướng tới. Bên cạnh đó có những chính sách hỗ trợ về mặt vĩ mô khác nữa để mục tiêu là doanh nghiệp tổ chức được kênh phân phối tốt đến tận người nông dân, tổ chức tốt thị trường tiêu thụ nông sản để từ đó bà con bán được giá, được chất lượng có thu nhập để trở thành phần cầu, bà đỡ cho hoạt động thương mại.
Về lâu dài, để các nhà bán lẻ tiếp cận tốt hơn thị trường trong nước, nhất là khu vực nông thôn, đầu tiên phải quy hoạch lại cơ sở hạ tầng, thứ hai là thiết lập lại hệ thống phân phối của các doanh nghiệp, chủ động khai thác thị trường, ở đâu có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thì doanh nghiệp cần phải đến. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là, phân khúc thị trường nông thôn đang bị nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành, đòi hỏi các doanh nghiệp có sự phối hợp với ngành chức năng và đưa ra biện pháp ngăn chặn. Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Đỗ Thanh Lam cho biết, trong Đề án, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng cũng đặt ra cấp bách. Các doanh nghiệp cần phối hợp với các lực lượng chức năng để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Vì vậy, việc triển khai Đề án phải được thực hiện một cách hiệu quả và được giám sát tốt thì người tiêu dùng Việt Nam mới thực sự được hưởng những thành quả của nền sản xuất hàng hóa, hệ thống phân phối trong nước với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, giúp cho thị trường trong nước phát triển vững chắc.