Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 8%/năm thời kỳ 2016-2020

PV.

Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016-2020.

Chính phủ đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016-2020. Nguồn: internet
Chính phủ đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016-2020. Nguồn: internet
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1137/QĐ-TTg
về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo Đề án, Chính phủ đặt ra mục tiêu chung nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới giai đoạn 2016-2020 và 2021-2030, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.

Đồng thời, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu. Giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016-2020.

Mỗi năm có ít nhất 100 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 200 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một số khâu có giá trị gia tăng cao. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 12 bậc so với năm 2015, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2015.

Đến năm 2030, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 9% -10%/năm thời kỳ 2021-2030. Mỗi năm có ít nhất 200 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 400 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, hình thành các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, làm nòng cốt cho các nhóm mặt hàng xuất khẩu. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 20 bậc so với năm 2015. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tăng ít nhất 25 bậc so với năm 2015.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu như: Tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu; Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu; Phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu; Tăng cường vai trò của doanh nghiệp có vốn FDI trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam; Củng cố và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; Tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu doanh nghiệp; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng.
Quyết định số 1137/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, giai đoạn đến 2020, đối với các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu thì thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để khai thác lợi thế hiện có, đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu thì tập trung vào các giải pháp tạo ra lợi thế mới nhằm nâng cao khả năng cung nội địa, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu.

Đến giai đoạn 2021-2030, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu và các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu.