Xuất khẩu sang thị trường Australia, New ZeaLand: Phải nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo daibieunhandan.vn

Khi xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện của thị trường. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo Phổ biến thông tin thị trường Australia, New Zealand và tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, diễn ra ngày 28/7.

Vải là một trong những hoa quả xuất khẩu của Việt Nam được các nước ưa chuộng. Nguồn: Internet
Vải là một trong những hoa quả xuất khẩu của Việt Nam được các nước ưa chuộng. Nguồn: Internet

Nhiều tiềm năng

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong vòng 6 năm (2010-2016), kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã tăng 1,26 lần, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm.

Tính riêng năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,2 tỷ USD (tăng 6,5% so với năm 2015), trong đó kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,9 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 2,3 tỷ USD.

Đối với thị trường New Zealand, kim ngạch thương mại hai chiều từ 2011-2016 bình quân tăng khoảng 26,7%/năm. Năm 2016, kim ngạch đạt 707 triệu USD, tăng 0,4% so với năm 2015, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 358 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 349 triệu USD.

Có sự chuyển biến tích cực từ hai thị trường trên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương Nguyễn Phúc Nam là do AANZFTA có hiệu lực ngày 1/1/2010 với nhiều ưu đãi, đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Cụ thể, năm 2015, Australia đã dành cho Việt Nam khoảng 96% tổng số dòng thuế về mức 0,5%. Việt Nam cũng đã tận dụng quy tắc xuất xứ để xuất khẩu sang Australia, New Zealand, tuy nhiên, vẫn chưa đạt như kỳ vọng mà vẫn ở mức trung bình.

Đáp ứng tốt các điều kiện xuất khẩu

Đại diện Bộ Công thương cho biết, Australia, New Zealand và Việt Nam có cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu bổ sung cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như sữa, da nguyên liệu; than đá, trái cây và có tiềm năng xuất khẩu nông sản bởi Australia, New Zealand ở bán cầu Nam, Việt Nam lại ở bán cầu Bắc, điều kiện khí hậu trái ngược nhau nên các sản phẩm theo mùa sẽ bổ sung cho nhau.

Tuy nhiên, Việt Nam mới xuất khẩu chủ yếu thủy sản chế biến. Dệt may, giày dép, hạt điều đang chiếm ưu thế tại thị trường Australia nhưng chủ yếu mới xuất khẩu điều nhân.

Theo ông Nam, Australia là nước thuộc nhóm quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới do đó yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm là điều tất yếu.

Đây là thị trường còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu, quan trọng là phải đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu.

Để thúc đẩy xuất khẩu sang hai thị trường đầy tiềm năng này, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm thủy sản…

Làm thế nào để Australia và New Zealand công nhận các giấy chứng nhận Việt Nam cấp và hỗ trợ cho Việt Nam về kỹ thuật để xây dựng và công bố các vùng sạch bệnh, hỗ trợ trong khâu kiểm bệnh, kiểm dịch.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội thảo, diễn đàn tăng cường phổ biến các thông tin, cơ hội xuất nhập khẩu thị trường Australia và New Zealand...

Theo các chuyên gia, Hiệp định AANZFTA đang được triển khai và trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu sẽ giúp quan hệ thương mại Việt - Australia - New Zealand phát triển mạnh hơn nữa.

Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh được với hàng hóa của các quốc gia khác.