Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng ít nhất 20% so với dự toán
Tại Công điện số 104/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng ít nhất 20% so với dự toán…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác.
Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; hiện đại hóa công tác quản lý thuế, quyết liệt thực hiện quy định về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng ít nhất 20% so với dự toán. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, trong đó tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên 7 tháng cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Bộ Tài chính bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí chi trả chính sách, chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP và các nhiệm vụ phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp. Ban hành ngay văn bản hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương (nhất là đối với cấp xã) trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách nhà nước khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm kịp thời, thông suốt, hiệu quả, không để gián đoạn.
Xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giữ sạch môi trường; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam.
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng tham mưu hiệu quả cho các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương. Tiếp tục rà soát, tổng hợp đề nghị của các bộ, cơ quan, địa phương về điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Tại Công điện, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ.
Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời; tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân tốt theo quy định; đẩy nhanh giải ngân phải gắn liền với bảo đảm chất lượng công trình, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời cán bộ yếu kém về năng lực, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.
Phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng 11-12% so với năm 2024. Khẩn trương xử lý tháo gỡ các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài theo thẩm quyền để giải phóng nguồn lực cho phát triển và chống lãng phí.
Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải; bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 không quá 3.000 dự án; tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm triển khai trong giai đoạn 2026-2030.
Liên quan đến thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn Ngành "dồn lực" thực hiện nghiêm các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách, coi đây là “mặt trận” trọng yếu trong điều hành tài chính quốc gia. Không chỉ tăng cường quản lý thu, ngành Tài chính còn tăng tốc chuyển đổi số, đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế lên môi trường điện tử – một bước đi chiến lược để hiện đại hóa và minh bạch hóa công tác thu ngân sách.
Nhờ sự điều hành tài khóa linh hoạt và quyết liệt, kết hợp đồng bộ các giải pháp từ siết chặt chống thất thu, mở rộng cơ sở thuế đến đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Tài chính đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025. Lũy kế thu ngân sách đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Điểm sáng nổi bật là thu nội địa với kết quả đạt 1.158,4 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 69,4% dự toán, tăng tới 33,3% so cùng kỳ. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, 46/63 địa phương có kết quả thu nội địa vượt mốc 55% dự toán và 56 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm trước cho thấy “sức bật” mạnh mẽ từ nền kinh tế thực.