Phân tích yếu tố quyết định đến chất lượng thông tin kế toán
Các tài liệu kế toán nói chung đều nhận định, việc tự nguyện áp dụng chuẩn mực kế toán có chất lượng sẽ có ảnh hưởng tốt đến các doanh nghiệp. Không hoàn toàn đồng ý với kết luận trên, kết quả của nghiên cứu này cho rằng chất lượng thông tin kế toán ở một quốc gia phụ thuộc vào 3 yếu tố: (i) Chất lượng của bản thân các chuẩn mực mới; (ii) Hệ thống chính trị - pháp luật của từng quốc gia; (iii) Các yếu tố khác tác động đến chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số ý kiến được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng thông tin kế toán
Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán tài chính Hoa Kỳ cũng thống nhất những đặc điểm cơ bản của chất lượng thông tin kế toán. Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS 01) đã nêu ra các yêu cầu cơ bản đối với chất lượng thông tin kế toán: Trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu và có thể so sánh.
Các yếu tố quyết định đến chất lượng thông tin kế toán, gồm có yếu tố bản thân chuẩn mực kế toán, hệ thống chính trị - pháp luật và các yếu tố tác động đến báo cáo tài chính. Khi doanh nghiệp (DN) chuyển sang áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thì báo cáo tài chính cũng sẽ thay đổi theo, tuy nhiên đây cũng chỉ là một yếu tố góp phần thay đổi chất lượng kế toán. Mặt khác, do hai yếu tố còn lại khác nhau ở từng quốc gia nên có thể thấy rằng, sau khi cùng áp dụng IFRS thì chất lượng kế toán vẫn không thể đồng đều giữa các quốc gia.
Yếu tố chất lượng chuẩn mực kế toán
Chất lượng thông tin kế toán của một DN được quyết định chủ yếu bởi chất lượng của bộ chuẩn mực kế toán mà DN đó lựa chọn (Mũi tên 1 - Hình 1). Nếu Ủy ban soạn thảo Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng IFRS, thì chắc chắn rằng mức độ tin cậy của báo cáo tài chính cũng được nâng cao hơn. Nghiên cứu của Comprix (2003) nhận thấy rằng, việc IFRS được đưa vào áp dụng tại các nước châu Âu (EU) là nguyên nhân làm gia tăng các khai báo tài chính và sự gia tăng áp dụng các phương pháp kế toán dồn tích.
Ngoài ra, nó còn làm giảm đáng kể hiện tượng “phù phép” số liệu báo cáo tài chính trong các DN EU. Tuy nhiên, một số người lại tranh luận rằng, chỉ một hệ thống chuẩn mực kế toán thì không thể phù hợp được với tất cả các DN, từ đó sẽ không nâng cao được chất lượng và tính tin cậy, đặc biệt là trong trường hợp mỗi DN lại đến từ mỗi quốc gia khác nhau. Các nhà quản trị có thể sử dụng các giả thiết khác nhau để điều chỉnh báo cáo tài chính.
Hệ thống chính trị - pháp luật
Hệ thống chính trị pháp luật tác động đến chất lượng kế toán thông qua một vài cách thức. Trước tiên là ảnh hưởng gián tiếp thông qua các chuẩn mực kế toán (Mũi tên 2 - Hình 1). Sự tách biệt giữa hệ thống lập pháp và hành pháp, cùng với quan điểm phát triển luật pháp dựa trên các thông lệ hình thành trong dân chúng đã được phản ánh thông qua cách tiếp cận chuẩn mực kế toán ở những nước áp dụng hệ thống thông luật.
Hệ thống chuẩn mực kế toán đã bộc lộ sự đúng đắn khi ưu tiên cung cấp thông tin kế toán cho các nhà đầu tư chứ không phải để đáp ứng nhu cầu thông tin của Chính phủ. Chuẩn mực kế toán ở những nước này chủ yếu được xây dựng bởi các tổ chức tư nhân, ví dụ như FASB của Mỹ và mục tiêu của các nhà tạo lập chuẩn mực là thỏa mãn nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư. Ngược lại, hệ thống luật dân sự, ví dụ như hệ thống luật của Pháp hay Đức, lại cho phép chính phủ kiểm soát quá trình xây dựng và diễn giải các điều luật.
Các yếu tố tác động lên báo cáo tài chính
Ball (2001) cho rằng, tất cả các bên tham gia hợp đồng hoặc dự định tham gia ký kết hợp đồng với DN đều có nhu cầu tìm hiểu thông tin về mức độ hoàn thành trách nhiệm trong hợp đồng của họ. Vì thế, DN luôn sẵn sàng chấp nhận gánh chịu chi phí cung cấp thông tin để đổi lại có được sự đánh giá cao từ khách hàng, nhà đầu tư cũng như chủ sở hữu DN.
Từ đó, báo cáo tài chính phải cân bằng được hai khoản là chi phí công bố thông tin và lợi ích thu được khi đáp ứng nhu cầu thông tin cho các bên tham gia hợp đồng, trong đó chi phí tiết lộ thông tin gồm có các khoản chi để chuẩn bị báo cáo tài chính và công bố thông tin độc quyền ra thị trường.
Sự phát triển của thị trường tài chính:
Yếu tố tác động đến báo cáo tài chính được xem xét trước tiên là sự phát triển của thị trường tài chính (Mũi tên 4 - Hình 1). Nhu cầu thông tin bắt nguồn từ nhu cầu giảm thiểu tính bất cân xứng về thông tin của các bên tham gia trên thị trường.
Spence (1973) nhận thấy rằng, các báo động đáng tin cậy có thể phần nào khắc phục được vướng mắc trong lựa chọn mẫu không thuận lợi. Trường hợp việc ra cảnh báo là khá đắt đỏ đối với các DN yếu kém thì những DN có tình hình tài chính tốt sẽ chịu trách nhiệm đưa ra báo động cho thị trường với chi phí thấp hơn và sẽ nhận được các khoản tài trợ vốn chi phí thấp.
Báo cáo tài chính được xem như là phương tiện cơ bản để đánh động thị trường. Francis (2005) nhận thấy, DN nào có nhu cầu nhận thêm vốn tài trợ từ bên ngoài đều tự động công bố nhiều thông tin hơn mức yêu cầu tối thiểu của thị trường và có chi phí vốn thấp hơn. Burgstahler (2007) nhận thấy, tại các quốc gia có thị trường vốn rộng lớn và phát triển thì hiện tượng điều chỉnh báo cáo tài chính xuất hiện ở các DN tư nhân nhiều hơn ở các DN công.
Tóm lại, có thể nói rằng, thị trường chứng khoán tạo ra các yếu tố thúc đẩy cho DN để cung cấp thêm nhiều thông tin về tình hình kinh doanh, từ đấy góp phần làm giảm chi phí vốn. Hay nói cách khác, thị trường chứng khoán sẽ lọc bỏ DN nào công khai ít thông tin về tình hình hoạt động của mình. Do vậy, nhu cầu thông tin từ các bên tham gia sẽ tạo nên yếu tố thúc đẩy cho các nhà quản trị để tăng cường chất lượng báo cáo tài chính của DN.
Sự phát triển của thị trường tài chính mang lại những ảnh hưởng gián tiếp (Mũi tên 5 - Hình 1). Quyền của các nhà đầu tư được bảo vệ tốt và mức độ can thiệp của chính phủ vào công việc kinh doanh của DN thấp sẽ bảo đảm cho các nhà đầu tư thu về được một khoản lợi nhuận từ số tiền bỏ ra đầu tư của mình, từ đó, tăng thêm số lượng nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn cho DN. Nền chính trị tập trung cao và sức mạnh tôn giáo của một nước cũng là yếu tố liên quan đến sự kém phát triển của thị trường chứng khoán.
Cấu trúc vốn:
Do mỗi DN có nhu cầu về vốn là khác nhau nên các yếu tố tác động đến báo cáo tài chính cũng khác nhau (Mũi tên 6 - Hình 1). Đối tượng cổ đông và chủ nợ sử dụng các phương pháp khác nhau để làm giảm tính bất cân xứng của thông tin.
Khi các nhà đầu tư đầu tư trực tiếp cho DN thông qua thi trường chứng khoán, họ thường phải xem xét báo cáo tài chính của DN đấy cùng với một vài nguồn khác để lấy thông tin phục vụ cho việc đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu hình thức đầu tư là gián tiếp thông qua ngân hàng thì các nhà đầu tư sẽ gửi tiền vào ngân hàng và ủy thác vai trò cho vay cho ngân hàng đảm nhiệm.
Cơ cấu sở hữu:
Cơ cấu sở hữu là một yếu tố khác mà thông qua đó chất lượng thông tin kế toán bị ảnh hưởng bởi hệ thống chính trị - pháp luật (Mũi tên 9 - Hình 1). La Porta (1998) nhận thấy rằng, những nước có xu hướng bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư tốt thì lại thường không chú ý nhiều đến vấn đề quyền sở hữu. Họ tranh luận rằng, tập trung vào quyền sở hữu cũng đồng nghĩa với việc có bảo vệ về mặt luật pháp do hai nguyên nhân:
Thứ nhất, các cổ đông thường cần được nắm nhiều quyền kiểm soát DN trong tay để tránh rơi vào tình trạng bị các nhà quản trị che mắt.
Thứ hai, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường không hứng thú với các cổ phiếu mà khi mua chúng, quyền lợi của họ không được bảo đảm. Hệ thống chính trị cũng có tác động lên cơ cấu sở hữu của DN, thể hiện thông qua việc một nhà nước mà xuất hiện phổ biến hiện tượng DN có xu hướng tìm kiếm các ưu đãi thông qua chính trị thì thường thiên về hình thức sở hữu tập trung.
Hệ thống thuế:
Hệ thống thuế quan là một khía cạnh khác trong chuỗi các yếu tố ảnh hưởng của hệ thống chính trị- pháp luật. Một hệ thống thuế có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng thu nhập của DN thông qua một vài con đường (Mũi tên 10 - Hình 1). Trước tiên các khoản thu nhập không phản ánh một cách chân thực tình hình hoạt động của các DN tại các quốc gia mà thu nhập kế toán và thu nhập chịu thuế có mối quan hệ khăng khít với nhau.
Nếu chuẩn mực kế toán và luật thuế có mối liên hệ chặt chẽ thì chúng sẽ kéo theo chất lượng giảm sút do trong trường hợp này cả hai đều được xem là công cụ được sử dụng với mục đích chính trị, ví dụ như để thu thuế về cho chính phủ. Hai là, tỷ lệ thuế suất cao sẽ tạo ra nhiều các yếu tố tác động với mục đích làm giảm thu nhập chịu thuế. Vì vậy, đặt tỷ lệ thuế suất cao sẽ khiến lợi nhuận thu được trên các báo cáo tài chính giảm xuống.
Burgstahler (2007) nhận thấy, DN có tỷ lệ thu nhập và thuế tương xứng với nhau và thuế suất cao thường có hành vi điều chỉnh báo cáo tài chính. Haw (2004) cho rằng, nếu một DN có báo cáo tài chính trong sạch, ít bị sửa đổi, thì họ luôn sẵn sàng nộp thuế và điều này có ảnh hưởng lớn đến khả năng kiểm soát tính chân thực của báo cáo tài chính hơn là những ảnh hưởng của hệ thống tư pháp.
Một số đề xuất nâng cao chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính
Việc sử dụng giá trị hợp lý phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm: đáp ứng yêu cầu hội nhập, các tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế; Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kế toán, theo đó, hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay xây dựng dựa trên Chuẩn mực kế toán quốc tế, và việc định giá cũng không thể khác được.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ, nhiều dữ liệu tham chiếu, nếu áp dụng thiếu bộ chuẩn mực quốc tế tức thì sẽ ảnh hưởng đến tính tin cậy của thông tin được định giá theo giá trị hợp lý. Do vậy, việc định giá theo giá trị hợp lý cần tính toán phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng giai đoạn. Theo đó, việc xác định một lộ trình hợp lý là cần thiết.
Về lập báo cáo tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần nghiên cứu xem xét áp dụng và triển khai báo cáo tích hợp, giúp định hình lại mục tiêu và xây dựng lộ trình phù hợp cho báo cáo tạo ra giá trị dài hạn và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các bên liên quan.
Báo cáo tích hợp không chỉ đơn thuần là việc ghép 3 báo cáo: Báo cáo thường niên, báo cáo bền vững và báo cáo tài chính của DN mà là sự tích hợp thông tin một cách sáng tạo để truyền tải một câu chuyện xuyên suốt về cách thức tạo ra giá trị của DN. Khi xây dựng được báo cáo tích hợp hoàn chỉnh, DN sẽ tạo được sự tin tưởng của nhà đầu tư và từ đó ảnh hưởng tích cực lên giá cổ phiếu của DN đó.
Phân tích các yếu tố quyết định đến chất lượng kế toán có ý nghĩa rất quan trọng. Hướng trọng tâm vào các yếu tố tác động đến báo cáo tài chính sẽ là một giải pháp khôn ngoan và ít tốn kém để có thể nâng cao chất lượng kế toán trong tương lai. Tại Việt Nam, việc tăng cường áp dụng giá trị hợp lý cũng như việc lập báo cáo tài chính tích hợp, cũng là những đề xuất đáng lưu tâm trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2002), Chuẩn mực kế toán Việt Nam (Đợt 1);
2. Barth, M., Landsman, W. and Lang, M. (2006) International accounting standards and accounting quality, Working Paper, Stanford University and University of North Carolina atChapel Hill;
3. Fan, J. and Wong, T.J. (2002) Corporate ownership structure and the informativeness of accounting earnings in East Asia, Journal of Accounting and Economics, 33(3), pp. 401-25;
4. Holthausen, R. and Watts, R. (2001) The relevance of the value-relevance literature for financial accounting standard setting, Journal of Accounting and Economics, 31(1-3), pp. 3-75;
5. Leuz, C., Nanda, D. and Wysocki, P. (2003) Earnings management and investor protection: an international comparison, Journal of Financial Economics, 69(3), pp. 505-27.