Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Phản ứng chính sách chủ động, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng

Hà Phương (t/h)

Phát biểu Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 diễn ra ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tổng quát đã đề ra cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách chủ động, tích cực từ đó đưa ra giải pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; đồng thời tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo…

Nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời

Nêu rõ những khó khăn, thách thức trong tăng trưởng kinh tế chưa được như mong muốn, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, lạm phát còn chịu nhiều sức ép; các động lực tăng trưởng gặp khó khăn, như công nghiệp phục hồi chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng chỉ tăng 1,65%. Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức…

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng lưu ý, cần nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, giải pháp điều hành. Chú trọng bảo đảm sự cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: Tỷ giá và lãi suất; tăng trưởng và lạm phát; cung và cầu; chính sách tiền tệ và tài khóa; tình hình bên trong và bên ngoài.

Với yêu cầu tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát đã đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nắm chắc tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách chủ động, tích cực, kịp thời, chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Đồng thời, tích cực tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu mới, các ngành mới nổi. Tiếp tục phân cấp, phân quyền, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp…

“Trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy mạnh mẽ các ngành mới nổi, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…”, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh.

Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hoà giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 (ngày 30/9/2023). Ảnh: VGP/Nhật Bắc 
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 (ngày 30/9/2023). Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác công tư (PPP), thu hút FDI có chọn lọc, nhất là những ngành mới nổi, công nghệ cao…

Về xuất khẩu, cần giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latin); nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới; tận dụng cơ hội các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.

Về tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước hơn 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng trên cả nước…

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; kiên quyết không để tình trạng dàn trải, kém hiệu quả.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo để trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Thúc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu cuối năm, các dịp lễ tết; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; đồng thời, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp (IUU) để gỡ thẻ vàng của EU .

Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…); đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm.

Thứ năm, chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhất là chuyển đổi số (như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…); không để bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư từ việc nâng cấp quan hệ và các hiệp định thương mại, đầu tư với các đối tác.

Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh với việc phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ. Đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. 

Thứ bảy, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, nhất là các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ tám, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

 

Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp trên, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện quyết liệt Đề án 06. Giải quyết ngay các vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư…